Thật mà không thật

Đấu thầu là một trong những phương thức để Nhà nước có thể lựa chọn được những nhà thầu phù hợp với mục đích, cũng như chi phí hợp lý khi tiến hành các hoạt động này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít các vụ án liên quan đến “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đã bị phát giác, đây là hành vi không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước, mà còn cho thấy những kẽ hở đã được một số đơn vị lợi dụng để trục lợi, đồng thời không ngoại trừ sự “đi xuống” về vấn đề đạo đức của những người được giao trọng trách quản lý tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Một trong những “chiêu trò” mà đơn vị dự thầu hay sử dụng đó là nâng khống năng lực, thậm chí giả mạo hồ sơ năng lực để tham gia dự thầu. Chính vì tính chất quan trọng của hồ sơ năng lực, quyết định sự thành bại của nhà thầu khi dự thầu nên đã và đang xảy ra tình trạng gian lận, “thổi phồng” hợp đồng năng lực. Có trường hợp, vì mục đích trúng thầu, nhà thầu cung cấp những hợp đồng năng lực có con dấu, chữ ký thật, còn toàn bộ phần còn lại là giả mạo. Tức tất cả những giá trị thi công xây lắp, hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, biên bản nghiệm thu, thanh quyết toán… đều là giả mạo đã thi công và chuẩn bị được thi công tại một tỉnh khác với những công trình hàng chục tỷ.

Việc kê khai giả hợp đồng là hành vi gian lận trong đấu thầu, nếu dẫn đến việc phải đấu thầu lại, hoặc nhà thầu được lựa chọn không đủ năng lực, kinh nghiệm có thể làm kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, ảnh hưởng chất lượng công trình, gây thiệt hại về tài sản là không nhỏ, nhất là với những công trình lớn. Nếu bị phát hiện, với quy định của Bộ luật Hình sự, tất cả những người có liên quan, từ chủ đầu tư, nhà thầu, người có thẩm quyền đều có thể bị xử lý hình sự. Cái giá phải trả lúc đó không còn chỉ là về kinh tế. Do đó, cần thiết có sự cảnh báo về hành vi này để chấn chỉnh công tác đấu thầu trong hoạt động đầu tư công.

Từ nhận thức đó, Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã tổ chức triển khai, thực hiện chuyên đề: Nhận diện môi trường đầu tư công, thực trạng và một số khuyến nghị.

Nghi vấn gian lận ở dự án giao thông xã Vân Hội

Trong quá trình thực hiện chuyên đề, chúng tôi đã nhận được một số phản ánh liên quan đến công tác đấu thầu tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể, tòa soạn nhận được phản ánh về việc công ty TNHH Hải Anh Vĩnh Phúc có dấu hiệu giả mạo năng lực, tuy nhiên vẫn trúng thầu dự án tại UBND xã Vân Hội, huyện Tam Dương.

Cụ thể, ngày 02/12/2021, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Vân Hội ký quyết định số 988/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dự án Đường giao thông nội đồng, xã Vân Hội, huyện Tam Dương; Tuyến 1: từ Mản Chợ – Chuôm Ba (Vân Giữa); Tuyến 2: từ ĐH27 – trang trại ông Bính (Vân Tập); Tuyến 3: từ cầu Đồng My – Chăn Nuôi (Vân Sau). Giá trúng thầu 2.793.000.000 đồng (2,793 tỷ đồng), thi công trọn gói trong trong 360 ngày.

Được biết, công ty TNHH Hải Anh Vĩnh Phúc có mã số thuế 2500560998, địa chỉ tại Thôn Vân Giữa, Xã Vân Hội, Huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị trúng thầu dự án trên.

Quyết định số 988/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dự án: Đường giao thông nội đồng, xã Vân Hội, huyện Tam Dương; Tuyến 1: từ Mản Chợ – Chuôm Ba (Vân Giữa); Tuyến 2: từ ĐH27 – trang trại ông Bính (Vân Tập); Tuyến 3: từ cầu Đồng My – Chăn Nuôi (Vân Sau) do ông Nguyễn Trọng Nghĩa ký.

Theo thông tin phản ánh, trong hồ sơ dự thầu (HSDT) của Công ty Hải Anh Vĩnh Phúc có đưa dự án: Đường GTNT xã Hợp Thịnh: tuyến từ nhà Sơn Dung đến thôn Tân Thịnh và tuyến đường trục chính thôn Quang Trung để chứng minh năng lực kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo tài liệu PV có được dự án trên do Công ty TNHH MTV Tiến Lợi là đơn vị trúng thầu và thi công.

Chủ đầu tư gây cản trở báo chí tiếp cận thông tin

Để làm sáng tỏ vấn đề này phóng viên (PV) đã liên hệ làm việc với UBND xã Vân Hội, là đơn vị chủ đầu tư của dự án. Tuy nhiên, khi PV có mặt tại UBND xã, Chủ tịch xã là ông Nguyễn Trọng Nghĩa đang bận họp. “Các bạn xuống văn phòng UBND xã đặt lịch làm việc với tôi sau” – ông Nghĩa cho biết.

Nhưng khi PV đặt lịch làm việc với văn phòng UBND xã đã vô cùng bất ngờ với cách làm việc của ông Nguyễn Văn Tỏ – Cán bộ Công chức Tư Pháp – Hộ tịch của UBND xã. Ông Tỏ đã có những lời lẽ “khiếm nhã” với PV và liên tục từ chối tiếp nhận nội dung, giấy giới thiệu đặt lịch làm việc với UBND xã mặc dù PV có giải thích Chủ tịch xã giới thiệu xuống.

“Tôi không tiếp nhận, muốn lên đâu thì lên…” – ông Tỏ nói.

Ông Nguyễn Văn Tỏ – Cán bộ tư pháp – hộ tịch của UBND xã Vân Hội.

Sau đó, PV đã trao đổi lại với ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Đảng ủy xã Vân Hội. Ông Tùng cho biết: “Đồng chí Tỏ mới thi công chức xã nhưng trượt, cũng là cán bộ mới, có gì các bạn thông cảm. Chúng tôi sẽ nhắc nhở đồng chí sau.”

Trước sự việc trên khiến phóng viên phải đặt câu hỏi về thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp nhận thông tin của các cơ quan báo chí, phải chăng cán bộ UBND xã Vân Hội không hiểu luật hay cố tình gây khó khăn khi báo chí tác nghiệp?

Cần biết rằng, Chỉ thị 26/CT-TTg ban hành ngày 05/09/2016 của Thủ tướng chính phủ quy định rõ ràng: Cán bộ, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì phải đeo thẻ cán bộ, viên chức, nhân viên để đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp.

Đối với người có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định mức phạt khác nhau cho từng loại hành vi. Cụ thể:

– Cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

– Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu quy định: Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Theo đó, trường hợp nhà thầu cung cấp thông tin không trung thực, vi phạm hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu thì nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

THỦY TIÊN

Bạn đang đọc bài Nhận diện môi trường đầu tư công: Góc nhìn từ hoạt động đấu thầu ở xã Vân Hội (Tam Dương-Vĩnh Phúc) tại chuyên mục Bạn đọc – Pháp luật . Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 03694529040977600308. Hoặc Email: [email protected] [email protected]