Nhân lực công nghệ thông tin được săn đón
Doanh nghiệp Nhật trải thảm đỏ mời kỹ sư Việt
“Cần gấp 30 kỹ sư CNTT, không cần biết tiếng Nhật, trúng tuyển đi ngay sau 1 tháng”, “Tuyển 100 kỹ sư CNTT, kỹ thuật viên làm trong nhà máy, lương tháng 220.000 yên, đi ngay sau khi hết dịch”… là những tiêu đề tuyển dụng top đầu của hàng loạt công ty xuất khẩu lao động. Thậm chí, có công ty còn “thưởng nóng” cho nhân viên nếu tìm được ứng viên đủ điều kiện, có chứng chỉ N1, N2.
Nhật Bản đang là “thỏi nam châm” thu hút, mời chào ứng viên kỹ sư CNTT Việt Nam sang làm việc. Thị trường CNTT nước này có quy mô 460 tỷ USD, trong đó phần mềm chiếm khoảng 130 tỷ USD. Dự báo nhu cầu dự án về công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tăng khoảng 31,5%, trong khi nguồn nhân lực đang thiếu hụt lớn. Khảo sát hàng quý của Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) cho thấy, nước này đang thiếu gần 800.000 kỹ sư CNTT, trên 80% các doanh nghiệp của Nhật sẵn sàng nhận người nước ngoài vào làm việc.
Theo bà Junko Kawauchi, Phó chủ tịch Ban Hợp tác quốc tế (JISA), 95% các công ty Nhật trả lời quan tâm và sẽ nhận các kỹ sư của Việt Nam làm việc, nhưng 80% doanh nghiệp yêu cầu các kỹ sư có năng lực tiếng Nhật N2 và N1.
Thị trường trong nước cũng khát nhân lực CNTT
Samsung vừa đầu tư thêm 300 triệu USD vào R&D tại Hà Nội, cần thêm 4.000 nhân lực cho lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới. LG liên tục tuyển dụng 1.500 kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và công nhân làm việc tại Tổ hợp nhà máy Display LG Việt Nam. Hindustan Computers Limited (HCL, một trong 3 công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ đã phát triển trung tâm của mình tại TP.HCM), cần thêm 10.000 kỹ sư trong 5 năm nữa.
Trong khi đó, Axon Enterprise, một trong những công ty phát triển công nghệ cho việc hành pháp hàng đầu tại Mỹ cũng đã tập trung cơ sở phát triển công nghệ tại TP.HCM. Thời gian tới, rất có thể, Việt Nam sẽ là điểm đặt chân trong chuỗi cung ứng của Apple. Các hãng CNTT hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Toshiba… cũng liên tục tuyển dụng nhân sự.
Ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev cho biết: “Đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ về CNTT tại Việt Nam. Những công ty công nghệ hàng đầu đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đang làm việc với chúng tôi để triển khai các dự án CNTT rất lớn. Chúng tôi nhận thấy rõ nhu cầu của họ trong việc thu hút nguồn lực trẻ tại Việt Nam”.
Trong khi đó, từ đầu năm 2020, hàng loạt công ty công nghệ của Việt Nam như Nexttech Group, Bkav, TDT, IBG, beGroup, CMC Global cho hay, họ đã có kế hoạch tuyển dụng thêm nhiều nhân sự.
Điển hình như với Tập đoàn Công nghệ CMC, tới năm 2023, CMC Global hướng đến con số 5.000 nhân sự CNTT chất lượng cao, tăng khoảng 10 lần so với hiện tại. Với việc mở rộng quy mô hoạt động trong 2 năm, với 3 chi nhánh tại Nhật Bản, TP.HCM, Đà Nẵng, Công ty sẽ phải tối ưu hóa việc đào tạo, sử dụng nguồn lực CNTT trên khắp Việt Nam để đáp ứng kế hoạch.
Tại beGroup, trong năm 2019, với đẩy mạnh việc phát triển và cải tiến ứng dụng gọi xe thuần Việt, Công ty cũng cần thêm người xây dựng công nghệ để giảm chi phí vận hành. “Tuy nhiên, số lượng người được tuyển về chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của Công ty”, ông Nguyễn Thiện Minh, Giám đốc công nghệ beGroup cho biết.
Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý I/2020 vừa được Navigos Group phát hành cho thấy, ngành CNTT đã có sự tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, quý II/2020, thị trường lao động sẽ sôi động hơn. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục ổn định ở ngành xản xuất và CNTT.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search khuyên rằng, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này, vì nguồn cung lao động dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Nếu doanh nghiệp chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, thì có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài khi nhu cầu bùng nổ trở lại.
12 loại hình dịch vụ IT sẽ phát triển mạnh
Theo báo cáo IT của TopDev, năm 2020, Việt Nam cần hơn 400.000 nhân lực ngành IT và sẽ tăng lên đến 500.000 vào năm 2021. Năm 2020 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của 12 loại hình dịch vụ IT nổi bật, gồm thương mại điện tử (E-Commerce), công nghệ tài chính (Fintech), gọi xe/thức ăn, xuất bản phần mềm, truyền thông trực tuyến và nội dung số, du lịch trực tuyến, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ gia công/thuê ngoài (BPO), High-tech (AI/ML, IoT, Blockchain…), phần mềm dạng dịch vụ (SAAS), công nghệ giáo dục (Edtech), dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến (Healthcare).
Hữu Tuấn
Theo baodautu.vn