Nhật Bản hoãn phóng vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên quỹ đạo
Tên lửa dự kiến sẽ được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura (Nhật). Hàng chục ngàn người yêu thích khoa học vũ trụ Việt Nam và Nhật đã dõi theo buổi tường thuật trực tiếp của JAXA trên nhiều nền tảng.
Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, tuy nhiên đến phần phóng tên lửa lại gặp sự cố và không thể diễn ra theo dự kiến. Buổi phát trực tiếp sau đó của JAXA cũng đã kết thúc.
Theo dõi trực tuyến sự kiện phóng tên lửa Epsilon số 5 và quá trình thả vệ tinh NanoDragon tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Khoảng 1 phút trước khi phóng tên lửa JAXA cho tạm dừng quy trình để kiểm tra lại hệ thống máy móc. Sau khi kiểm tra, JAXA quyết định tạm dừng việc phóng tên lửa trong ngày 1/10. Nguyên nhân tạm dừng và lịch phóng tên lửa sẽ được phía Nhật Bản thông báo sau.
NanoDragon là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.
Đây là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm). Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy để sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.
Nếu thành công, NanoDragon sẽ đánh dấu bước làm chủ về công nghệ vệ tinh khi toàn bộ quá trình thiết kế, gia công chế tạo, lắp ráp tích hợp và thử nghiệm đều diễn ra ở Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (nặng 1 kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng đã được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Tiếp theo, đến năm 2019, MicroDragon – một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, thành phần của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất” được phát triển bởi 36 học viên là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – cũng đã được phóng lên quỹ đạo thành công và đang hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.
THU MINH
Bạn đang đọc bài Nhật Bản hoãn phóng vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên quỹ đạo
tại chuyên mục Khoa học & Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]