ISSN-2815-5823
Bảo Trung
Thứ năm, 16h04 11/07/2024

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2024

(KDPT) - Vận động của thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu và thuộc nhóm các chỉ số tăng trưởng nổi trội trong nửa đầu năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên tích cực 

Bứt phá trong nửa đầu năm. Vượt qua các “cơn gió ngược”, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023 và tiếp tục bứt phá về điểm số. Dù đi qua nhịp điều chỉnh ngắn trong tháng 4 và tiếp tục giảm 1,3% trong tháng 6, chỉ số VNIndex vẫn tăng trưởng tích cực 10,2% từ đầu năm và khép lại phiên 28/6 ở ngưỡng 1.245,32 điểm.

Theo mức độ biến động, tạm phân chia thị trường trong nửa đầu năm thành hai giai đoạn chính, gồm Tăng tốc (1/1-29/2) với đà đi lên trọn vẹn và Tích lũy (1/3-28/6) khi các biến số trái chiều hiện diện thường xuyên hơn.

Giai đoạn 1: Tăng tốc nhờ chính sách ủng hộ

Chính sách định hướng tăng trưởng là chất xúc tác quan trọng cho đà bứt phá của nhóm Ngân hàng nói riêng và cả thị trường nói chung trong giai đoạn 1. Khá nhiều thông tin tích cực được đón nhận, không chỉ định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 và quyết định thông qua hai dự thảo Luật quan trọng là Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mà còn xuyên suốt thể hiện rõ mục tiêu nâng hạng. Chỉ số VN-Index có giai đoạn bứt phá mạnh mẽ với +10,87% và đóng góp hầu hết vào điểm số trong nửa đầu năm 2024.

Hoạt động của khối ngoại trong giai đoạn này vẫn là bán ròng với giá trị 4,7 nghìn tỷ đồng nhưng tập trung phần lớn ở nhóm Thực phẩm đồ uống (-3 nghìn tỷ đồng). Ngược lại, Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản, Bất động sản Khu công nghiệp, Bảo hiểm, CNTT là các nhóm được mua ròng.

Giai đoạn 2: Củng cố nội lực trước các "cơn gió ngược"

Chính sách linh hoạt, sát thực tiễn tạo nền tảng cho sự ổn định của thị trường. Nếu như ở giai đoạn 1, chính sách chủ yếu mang tính định hướng tăng trưởng thì sang giai đoạn 2 đã thể hiện rõ tính linh hoạt khi các “cơn gió ngược” xuất hiện thường xuyên hơn. Cụ thể, trước nỗi lo biến động tăng của tỷ giá và giá vàng, NHNN đã thực hiện bán ra USD và vàng miếng nhằm hạ nhiệt. Sự can thiệp kịp thời của NHNN đã phát huy tác dụng và củng cố niềm tin của NĐT trong việc điều hành chính sách. Theo đó, TTCK dù có rung lắc và điều chỉnh mạnh nhưng nhanh chóng cân bằng trở lại. Chỉ số VN-Index biến động hơn 126 điểm giữa hai mốc cao nhất - thấp nhất, nhưng tính chung chỉ giảm -0,59% trong giai đoạn 2.

Khẩu vị dòng tiền phân hóa mạnh, tập trung vào các câu chuyện riêng của doanh nghiệp. Trong đó, đa số nhóm ngành ghi nhận hiệu suất tích cực, bao gồm các nhóm tăng trưởng bền vững và hồi phục mạnh mẽ từ đáy; hay hưởng lợi từ câu chuyện riêng như giá cước vận tải biển tăng cao. Hàng không, Viễn thông, CNTT, Bán lẻ, Vận tải biển là các nhóm ngành diễn biến tích cực nhất trong giai đoạn này.

Khối ngoại đẩy mạnh rút ròng nhưng đã được đỡ bởi dòng tiền trong nước 

Tâm điểm trong giai đoạn 2 là việc đẩy mạnh bán ròng trên diện rộng của khối ngoại với quy mô khớp lệnh lên đến 42,2 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE, nâng tổng giá trị rút ròng nửa đầu năm 2024 lên gần 47 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức 21 nghìn tỷ đồng của năm 2023. Tính cả giao dịch thỏa thuận, giá trị rút ròng ghi nhận hơn 52 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.

Nguồn: SSI Research
Nguồn: SSI Research

Giai đoạn 2, khối ngoại tập trung rút ròng khỏi nhóm Ngân hàng, Bất động sản dân cư, Thực phẩm đồ uống, Dịch vụ tài chính, CNTT; còn nhóm Bán lẻ, Ô tô phụ tùng và Bất động sản Khu công nghiệp được mua ròng. Quan sát cả 2 giai đoạn, khối ngoại đã đảo chiều rút ròng ở nhóm Ngân hàng, CNTT; duy trì quan tâm nhóm Bất động sản Khu công nghiệp và chú ý trở lại nhóm Bán lẻ, Ô tô phụ tùng.

Dù vậy, hoạt động bán ròng của khối ngoại chưa cho thấy áp lực khi tỷ trọng đóng góp vào tổng giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ 9,6% trong nửa đầu năm 2024. Khối nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch sôi động trong bối cảnh lãi suất tiền gửi neo ở mức thấp và hấp thụ tốt lượng cung từ khối ngoại.

Thanh khoản cải thiện

Thanh khoản bình quân sàn HoSE đạt 21,8 nghìn tỷ đồng trong nqra đầu năm 2024. Đây cũng là mức thanh khoản kỷ lục khi tăng hơn 84% so với cùng kỳ và vượt qua cả giai đoạn 2022. Cụ thể, giao dịch sôi động hơn trong giai đoạn 2 của thị trường, đạt 23,3 nghìn tỷ đồng mỗi phiên so với mức 18,4 nghìn tỷ đồng ở giai đoạn 1.

Nguồn: SSI Research
Nguồn: SSI Research

Tỷ trọng giao dịch ở nhóm vốn hoá lớn đang quay lại chiếm ưu thế. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm vốn hóa lớn gia tăng gần đây và đã vượt qua nhóm vốn hóa trung bình lần đầu tiên kể từ tháng 4/2023. Điều này có thể xuất phát từ việc giá trị giao dịch chung của thị trường suy giảm gần đây và chủ yếu do giao dịch thu hẹp ở nhóm vốn hóa trung bình. Theo đó, tỷ trọng dòng tiền ở các nhóm trụ cột Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản giữ vững trong khi nhóm Bất động sản dân cư đang được quan tâm trở lại. Việc dòng tiền đang có dấu hiệu tập trung hơn ở nhóm vốn hóa lớn có thể là một yếu tố giữ nhịp cho thị trường trong giai đoạn đi ngang tích lũy của chỉ số chính./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine