Những đối tượng dễ bị thừa cân, béo phì
Người có chế độ ăn không khoa học
Người có thói quen ăn các thực phẩm chứa quá nhiều chất béo, calo có nguy cơ bị thừa cân, béo phì rất cao.
Việc ăn uống dư thừa năng lượng, đạm, chất béo hiển nhiên sẽ gây tích trữ mỡ dưới da, mỡ nội tạng, mỡ gan, mỡ máu và có thể gây ra rất nhiều bệnh lý phức tạp như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường, mệt mỏi …
Nên nhớ rằng dù bạn ít ăn đường, tinh bột, mỡ, nhưng vẫn dung nạp quá nhiều đạm, lượng đạm dư thừa cũng sẽ chuyển thành mỡ và đường và tích trữ trong cơ thể.
Người có thói quen ít vận động thể dục thể thao
Tại Việt Nam, giới trẻ hiện nay nhìn chung ít vận động, đặc biệt là người làm việc tại các văn phòng. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA),Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.
Việc không hoặc ít vận động khiến lượng calo nạp vào từ thức ăn không được đốt cháy ngay lập tức, lâu dần sẽ chuyển hóa thành mỡ, tích tụ trong máu, trong gan. Khi máu không lưu thông, chuyển hóa cơ bản sẽ kém đi, lâu ngày sẽ trở thành mỡ xấu, mỡ thừa, gây ra tình trạng béo phì.
Người bị rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa có thể xuất phát từ các nguyên nhân chính sau: Thói quen ăn uống, thói quen lười vận động, thói quen ăn ngủ ko khoa học; Cơ thể nhiễm độc từ môi trường; Lão hóa; và tuổi già.
Hai đối tượng phổ biến nhất dễ bị thừa cân béo phì đó là người bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu và người bị rối loạn chuyển hóa đường huyết.
Người rối loạn chuyển hóa mỡ máu tức là mỡ máu duy trì mức cao, chức năng gan suy giảm (có thể do sinh hoạt, độc tố, gan nhiễm mỡ ..), gan giảm chức năng lọc mỡ trong máu.
Khi rối loạn mỡ máu, rất nhiều khả năng gan nhiễm mỡ độ cao, xuất hiện việc tích dần mỡ thừa dưới da, mỡ nội tạng tăng, gia tăng xơ vữa thành mạch …
Người rối loạn chuyển hóa đường huyết khi có chỉ số đường huyết thường xuyên nằm ngoài mức độ chỉ số thông thường cho phép.
Thói quen ăn đồ nhiều đường, đồ có gas, … ít vận động, khiến cơ thể luôn duy trì trạng thái dư thừa năng lượng và đường huyết ở mức độ cao. Khi đó, tế bào Beta trong tuyến tụy tiết hormone môn insulin để hạ đường huyết, và phải làm việc liên tục, dễ gây suy giảm chức năng do quá tải. Còn tế bào Alpha có nhiệm vụ tiết hormone môn glucagon giúp tăng đường huyết thì ít khi phải hoạt động, có thể làm suy giảm chức năng này của tụy.
Gan liên tục phải tăng dự trữ đường, mỡ và không có cơ hội luân chuyển lượng dự trữ này.
Lâu dần, cơ thể quen dần với việc đường huyết cao hơn mức bình thường. Nếu đường huyết giảm về mức bình thường, cơ thể sẽ có cảm giác đói sớm (do chức năng tế bào Alpha kém, chức năng cấp đường từ gan vào máu kém), cảm giác thèm ăn làm chúng ta muốn ăn (đường tích trữ trong gan, trong tế bào cơ chưa cần huy động tới), cơ thể sẽ nạp thêm nhiều năng lượng gây dư thừa và thừa cân.
Thực tế cho thấy, người béo phì thường không chịu nổi đói, điều này liên quan tới việc đường huyết bị hạ, chức năng tụy và gan kém dẫn tới không bù đắp kịp thời đường huyết. Vòng tròn: Ăn – Béo – Hạ đường huyết – Đói – Ăn – Béo cứ liên tục diễn ra.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ dẫn đến thừa cân béo phì nếu không có những nhận thức đúng đắn để phòng tránh. Cần phải xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, kết hợp tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để cân bằng chuyển hóa và tiêu hao mỡ thừa trong cơ thể.
THỦY TIÊN