Về tài năng, trí tuệ của giáo sư Trần Thanh Vân, các bạn trẻ yêu khoa học có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin ở nhiều kênh khác nhau, nhưng tôi muốn chia sẻ nhiều hơn về ông và người bạn đời, người cũng là một giáo sư khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ sinh học - bà Lê Kim Ngọc. Họ là một trong số ít cặp vợ chồng khoa học trên thế giới được Tổng thống Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh về những đóng góp của mình. Ở các sự kiện khoa học, người ta luôn bắt gặp một người phụ nữ nhỏ bé, nhanh nhẹn, mái tóc trắng như cước, khuôn mặt đôn hậu chuyên lo việc tổ chức các sự kiện khoa học. Bà quan tâm đến từng vị khách, từng chỗ ăn, ở, từng chi tiết của cuộc hội thảo như tài liệu, giấy mời, chương trình thăm quan sao cho tốt nhất… Vào năm 2018, Tiến sỹ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung Tâm Tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam (ICISE) mời tôi tới dự lễ trao hơn 600 suất học bổng Vallet cho học sinh xuất sắc của 58 trường trung học phổ thông ở các tỉnh phía Bắc và các em ở 06 làng S.O.S tại Hà Nội. Tưởng nhận lời là xong vậy mà hôm sau, tôi rất ngạc nhiên bởi sự chu đáo, chuyên nghiệp khi nhận được thư mời có chữ ký xác nhận của Giáo sư Trần Thanh Vân. Trong một số cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học và được nghe lời kể từ giáo sư Phạm Quang Hưng (Đại học Virinia, Mỹ) là bạn của giáo sư Trần Thanh Vân từ năm 1973, họ đã rất nể phục Giáo sư Vân về khả năng làm việc, sự tự tin và càng trao đổi thì càng quý nhau vì “anh ấy” luôn day dứt là mang một điều gì đó, muốn làm cái gì đó cho quê hương và dành sự quan tâm đặc biệt đối với các bạn trẻ. Tại trụ sở Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp hiện vẫn còn lưu giữ lại những bức tranh nhỏ nhưng đã mang đến một thông điệp lớn về tấm lòng nhân ái của vợ chồng giáo sư và những người bạn quốc tế. Để có tiền giúp đỡ những trẻ em khó khăn sau chiến tranh tại Việt Nam, ông bà đã chọn một số bức tranh lụa của các họa sỹ danh tiếng ở Việt Nam để in trên thiệp Giáng sinh. Vừa lạ mắt, vừa dễ bán, vừa giới thiệu được vẻ đẹp thanh bình, tao nhã của làng quê Việt rồi tự mình đứng bán những tấm thiệp ấy trước cửa nhà thờ Đức Bà Paris vào lúc đêm khuya lạnh giá. Nhiều người phương tây đã tình nguyện xuống đường cùng vợ chồng ông bà bán thiệp. Phong trào bán thiệp quyên góp giúp đỡ trẻ em Việt Nam đã trở nên nổi tiếng tại Pháp và lan sang tận Mỹ. Phong trào này đã đã quyên góp được 1 triệu USD để xây dựng làng trẻ SOS thứ 2 ở Việt Nam.

GS Trần Thanh Vân- GS Đàm Thanh Sơn - GS Jerome Friedman (Nobel Vật lí 1990) cùng các em học sinh.
GS Trần Thanh Vân- GS Đàm Thanh Sơn - GS Jerome Friedman (Nobel Vật lí 1990) cùng các em học sinh.

Giáo sư Odol Vale đã lập nên quĩ học bổng Odol Vale để trao cho học sinh nghèo ở Pháp và một số nước, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, Giáo sư Odol Vale đã đồng hành cùng vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đi từ Cao Bằng đến Cà Mau để trao tận tay cho các sinh viên, học sinh Việt Nam khoảng 50.000 xuất học bổng trị giá trên 350 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Quĩ học bổng Odol Vale đã cấp 37 tỷ đồng cho 21.000 xuất trên toàn quốc. Từ kinh nghiệm và những mối quan hệ thân thiết với những nhà khoa học vật lý trên thế giới, Giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập và là Chủ tịch tổ chức khoa học mang tên “Rencontres du Vietnam” (Gặp gỡ Việt Nam). Tháng 10 năm 1993, Giáo sư đã phối hợp với Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu tổ chức Hội nghị Vật lý mang tên “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ nhất tại Hà Nội. Hội nghị đã thu hút được nhiều nhà Vật lý Hạt cơ bản và Vật lý Thiên văn tham dự, trong đó có nhiều người được tặng giải thưởng Nobel. Cuộc gặp gỡ này đã tạo ấn tượng tốt đối với các nhà khoa học quốc tế, góp phần tích cực vào việc phát triển, hợp tác khoa học giữa Việt Nam và quốc tế. Về sau, Giáo sư nhận thấy cần phải chọn một địa điểm cố định cho những cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” trên nền tảng mô hình đã xây dựng thành công ở Pháp là “Gặp gỡ Morion”. Và Qui Nhơn, Bình Định là nơi đã giúp ông thực hiện được ý tưởng xây dựng một Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). Ước nguyện lớn của giáo sư rằng đây không chỉ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên, các nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mà còn mang lại cơ hội cho thế hệ trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. Sau bao nhiêu ấp ủ thì dự định của ông bà đã trở thành hiện thực. Trung tâm ICISE tại Quy Nhơn do Hội Gặp gỡ Việt Nam làm chủ đầu tư tổng diện tích 100.000 m2 đã được khởi công vào năm 2011 và đến 12/8/2013, hạng mục chính là khu trung tâm hội nghị đã hoàn thành. Nơi đây đã từng bước thu hút và trở thành điểm đến của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và hơn 80 hội nghị khoa học quốc tế với sự tham gia của 5.500 nhà khoa học. Sau gần 30 năm cống hiến hết mình cho đất nước, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân đã góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với đông đảo nhà khoa học đẳng cấp của quốc tế, tạo sự chú ý của họ tới khoa học ở Việt Nam. Không chỉ lan tỏa tình yêu, ngọn lửa khoa học cho thế hệ trẻ, Giáo sư Trần Thanh Vân và các cộng sự quốc tế đang cùng với lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục qui hoạch để phát triển thung lũng Qui Hòa thành một khu đô thị Khoa học - Giáo dục đầu tiên của Việt Nam với nhà mô hình vũ trũ, nhà khám phá khoa học, đài quan sát thiên văn phổ thông, viện nghiên cứu khoa học và các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Lễ thắp đuốc khoa học khai mạc tuần lễ “ Gặp gỡ Việt Nam” ngày 7/8/2022 là một nghi lễ trang trọng được lựa chọn bởi những con người xuất sắc. Ngọn lửa được thắp sáng suốt một tuần lễ diễn ra sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18 tại ICISE để cùng nhau lan tỏa tình yêu khoa học cho toàn thể Việt Nam, nhất là các thế hệ trẻ. Cùng với đó, một sự kiện hết sức đặc biệt đánh dấu một năm đặc biệt với lĩnh vực khoa học cơ bản của Việt Nam, đó là Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” là sự kiện đầu tiên trên toàn thế giới hưởng ứng kỷ niệm năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững do Liên hiệp quốc thông qua hồi tháng 1/2022 và UNESCO công bố chính thức ngày 8/7/2022. Trong đó, Việt Nam đã tham gia vào quá trình vận động và là đồng tác giả đề xuất này. Chúng ta đón nhận sự kiện với một tâm thế hãnh diện, hân hoan và tự hào với niềm biết ơn, cảm phục tấm lòng của vợ chồng giáo sư. Hy vọng trong tương lai không xa, từ lõi ban đầu là ICISE đến trung tâm khám phá khoa học, rồi các doanh nghiệp công nghệ, các viện nghiên cứu ở Việt Nam sẽ được hình thành và càng phổ biến để ứng dụng những nghiên cứu từ khoa học cơ bản vào thực tiễn ngày càng phát triển lớn mạnh./.