ISSN-2815-5823
Thứ tư, 15h35 28/08/2019

Nơi gửi những vui buồn ở đoạn kết cuộc đời Bài 2: Giải bài toán cơ chế cho mô hình dưỡng lão

(KDPT) – Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi tại các nước phát triển, phải qua nhiều thập niên, thậm chí đến hàng thế kỷ, mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa sang dân số già, như Pháp (115 năm), Australia (73 năm), Trung Quốc (26 năm), nhưng tiến trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chạm đỉnh “dân số vàng” và bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Năm 2011, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%. Năm 2018, con số này tăng lên thành 11,95%.

“Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ bốn người dân có một người cao tuổi”, ông Tú cho biết.

Khi xảy ra thực trạng “già hóa” dân số, nếu hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe chưa kịp hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu người cao tuổi, sẽ đặt ra nhiều thách thức trong công tác lập kế hoạch và hoạch định chính sách. Vì lẽ đó, sự xuất hiện của mô hình nhà dưỡng lão sẽ là một “cứu cánh” cho hiện trạng này.

Cơ sở tại Sóc Sơn của Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức. (Nguồn ảnh: Dưỡng lão Thiên Đức)

Thực tế chứng minh, nhà dưỡng lão đang trở thành nhu cầu tất yếu của một bộ phận số đông người cao tuổi, do đó, mô hình này đang ngày càng mở rộng. Ví như, nhà dưỡng lão Thiên Đức – nay là Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức, trước kia chỉ có một cơ sở, thì hiện đã phát triển thành năm cơ sở, với tổng sức chứa lên đến hàng trăm giường; hay Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, khi ra đời cách đây bốn năm, chỉ có một cơ sở và chăm nuôi được hơn chục người, thì nay đã mở thêm cơ sở mới, với hơn 100 cụ đang sinh hoạt. Ngoài ra, còn nhiều nhà dưỡng lão ở khu vực Thủ đô vẫn đang hoạt động, tiếp tục có xu hướng mở rộng quy mô, như Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái, Trung tâm dưỡng lão OriHome, Trung tâm dưỡng lão Hà Nội, Trung tâm dưỡng lão ALH… Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình này đang gặp nhiều hạn chế, bất cập do các cơ chế, chính sách liên quan.

Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc – Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức, sự thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi, là một trong những nguyên nhân gây nên sự phát triển không toàn diện của các nhà dưỡng lão. Hiện tại, nghề chăm sóc người cao tuổi chưa khẳng định được vị thế tại Việt Nam, Chương trình Nhân viên chăm sóc cơ bản cho Nghề chăm sóc người cao tuổi hiện chưa có quyết định triển khai, gây nên những khó khăn trong thực tiễn. Chúng ta cần có những quy định, quy chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực về lĩnh vực này.

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Tuấn Ngọc cho rằng, việc thiếu trách nhiệm đóng lệ phí hàng tháng tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi của gia đình, cũng tương đồng với việc bạo hành người cao tuổi. Theo quy định pháp luật, hành vi này sẽ bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với một lần vi phạm. Như vậy, có thể thấy mức phạt này chưa đủ răn đe.

Người cao tuổi tại Nhà dưỡng lão Diên Hồng. (Nguồn ảnh: Dưỡng lão Diên Hồng)

Bên cạnh đó, vướng mắc đối với các nhà dưỡng lão là quy định về diện tích tối thiểu. Bởi, theo Nghị định 68–2008/NĐ-CP, đối với các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở bảo trợ xã hội phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau: Diện tích đất tự nhiên bình quân 30m2/người ở khu vực nông thôn, 10m2/người ở khu vực thành thị; diện tích phòng ở của đối tượng bình quân 6m2/người. Đối với người phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 8m2. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Đối với cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng từ 25 đối tượng trở lên phải có khu nhà ở, nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện). Nếu đối chiếu theo những quy định này, thì hầu hết nhà dưỡng lão hiện nay đều không đạt yêu cầu. Do đó, nếu muốn phát triển các mô hình nhà dưỡng lão, cần điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.

Bất cập tiếp theo nằm ở cơ chế quản lý. Đa số nhà dưỡng lão hiện nay đều ra đời và hoạt động như một doanh nghiệp, theo giấy phép do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp, như vậy, đơn thuần là một đơn vị làm kinh tế, nhưng trên thực tế đây lại là hoạt động mang tính an sinh xã hội; và hoạt động này phải thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Do hoạt động như kinh doanh thương mại, nên các nhà dưỡng lao hiện nay không được hưởng các quyền lợi của một doanh nghiệp công ích vì mục đích an sinh xã hội. Tuy rằng, việc miễn thuế giá trị gia tăng 10% cho các cơ sở dưỡng lão chính thức được áp dụng từ ngày 1-7-2016, đã giúp các cơ sở dưỡng lão duy trì hoạt động có hiệu quả hơn. Nhưng, do đây là mô hình dân lập của tư nhân, nên không được hưởng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về chính sách như mô hình trung tâm công lập. Mặc dù hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang hướng dẫn chuyển đổi mục đích hoạt động đối với loại hình này, nhưng chắc sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Sinh hoạt cộng đồng tại Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức.

Cùng với đó, là vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất và tài chính. Hiện nay, hầu hết nhà dưỡng lão do tư nhân lập đều phải tự huy động vốn để mua hoặc thuê đất. Trong khi đó, chưa có cơ chế chính sách nào hỗ trợ trong việc này. Để xây dựng, phát triển các nhà dưỡng lão, cần số vốn không nhỏ, trong khi mô hình này tại Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn còn e dè khi xét đến hiệu quả, tính khả thi. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế chính sách, như hỗ trợ lãi suất cho vay, cho thuê đất với giá ưu đãi…

Hiện nay, người cao tuổi đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả lệ phí do không có bảo hiểm xã hội, đây đang là vấn đề hết sức nan giải. Bên cạnh đó, họ thường mắc rất nhiều bệnh cùng lúc, nhưng rất ít người có bảo hiểm y tế, mà có cũng không sử dụng được trong các cơ sở chăm sóc này. Vì thế, mới đây tại hội thảo “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi”, ông Nguyễn Tuấn Ngọc – Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức, đề xuất nên có các chính sách phúc lợi xã hội nhằm quan tâm người cao tuổi hơn nữa, để giảm tải các gánh nặng mà họ đang phải chịu.

Nói về việc mở rộng và phát triển các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc người cao tuổi, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách về phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội chúng ta đã có, nhưng làm chưa tốt, nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia vào lĩnh vực này.

Việc xã hội hóa những cơ sở dưỡng lão là vô cùng quan trọng, đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Để thực hiện điều này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH về việc “Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2025”. Theo đó, đến năm 2025, cả nước sẽ hình thành và phát triển 461 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 189 cơ sở công lập và tối thiểu 272 cơ sở ngoài công lập. Mục tiêu là nâng công suất phục vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội này lên 70.000 đối tượng vào năm 2020 và 154.000 đối tượng vào năm 2025.

Dẫu còn nhiều bất cập, nhưng với định hướng xã hội hóa phát triển các mô hình dưỡng lão, có thể coi, đây là chìa khóa để tháo gỡ bài toán về cơ chế, nhất là trong hỗ trợ tài chính, giảm gánh nặng ngân sách. Đồng thời, khơi dậy sự hưởng ứng, quan tâm của toàn cộng đồng đối với công tác chăm sóc người cao tuổi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Bài 1: Nhà dưỡng lão – quan niệm văn minh về chữ “hiếu”

Trường Minh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024