ISSN-2815-5823

Nuôi cá thát lát cườm: Tiềm năng kinh tế làm giàu cho Hậu Giang

(KDPT) – Với điều kiện tự nhiên phong phú, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào, đã tạo nên thế mạnh đặc biệt cho việc nuôi cá thát lát cườm ở Tỉnh Hậu Giang. Cá thát lát khi nuôi tại vùng đất này không chỉ sản lượng nuôi đạt cao, mà chất lượng thịt của cá thát lát cũng ngon hơn, đặc trưng hơn các vùng khác. Điều đó, đã giúp cá thát lát đã trở thành một trong những loại đặc sản đặc trưng, tạo nên thương hiệu của Hậu Giang.

Hậu Giang nuôi cá thát lát chủ yếu bằng hai hình thức là thâm canh trong ao đất và nuôi thâm canh trong vèo lưới.

Nghề nuôi cá thát lát cườm phát triển mạnh ở Hậu Giang những năm gần đây nhờ điều kiện nuôi phù hợp và lợi nhuận cao. Từ đầu năm 2018, nông dân Hậu Giang thả nuôi khoảng 50 ha, đạt sản lượng trên 5.100 tấn. Năm 2019 ước tính diện tích nuôi trên 80 ha, đạt sản lượng trên 6.000 tấn. Hiện nay, diện tích nuôi cá thát lát trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều nhất ở huyện Phụng Hiệp với khoảng 20 ha, số còn lại rải rác tại huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thị xã Long Mỹ.

Anh Bùi Văn Học, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp niềm nở cho biết: Năm nay giá cá thát lát thương phẩm rất cao nên hầu hết những diện tích thu hoạch cá từ đầu năm đến giờ đều có lợi nhuận lớn. Giá cá thát lát hiện tại đã tăng 15.000 đồng/kg so với 2 tháng trước và gấp đôi so cùng kỳ. Cá thát lát cườm là một đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Do nhu cầu thị trường đang tăng mạnh nên giá cá còn có thể tăng thêm. Hiện, cá thát lát cườm được thương lái thu mua ở mức 93.000 – 95.000 đồng/kg, nhưng hầu như có rất ít người nuôi còn cá để bán. Trong khi năm ngoái, giá cá bình quân chỉ được 43.000 – 46.000 đồng/kg, còn thời điểm cao nhất cũng chỉ 58.000 – 60.000 đồng/kg.

Ở xã Thạnh Hòa hiện có 8 hộ nuôi cá thát lát cườm với tổng diện tích 7,5 ha, hộ nuôi nhiều nhất là anh Nguyễn Văn Phụng ở ấp Tầm Vu II với diện tích 3,5 ha. Những năm trước, anh Phụng chỉ nuôi 1,75 ha, nhưng năm nay giá cá ổn định và có chiều hướng tăng mạnh nên anh mạnh dạn nuôi thêm 1,8 ha.

Đầu năm 2018, anh Phụng nuôi cá với diện tích 1,7ha, sau 8 tháng chăm sóc, tổng trọng lượng cá đạt được 105 tấn, bán với giá 71.000 đồng/kg, Anh thu được 7,4 tỷ đồng, trừ chi phí 4,5 tỷ đồng, còn lợi nhuận 2,9 tỉ đồng.

Anh Phụng chia sẻ: Cá thát lát là loài cá dễ nuôi, ít bệnh, lớn nhanh, mang hiệu quả kinh tế cao. Để nuôi cá được thành công, trước khi nuôi cần cải tạo ao thật kỹ, diệt sạch cua và cá tạp, thả nuôi với mật độ vừa phải, chọn giống đồng cỡ, không bệnh tật và cá đã ăn được thức ăn công nghiệp. Đồng thời, nên nuôi ghép thêm cá sặc rằn để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa và lọc sạch môi trường nước.

Cá thát lát sau khi thu hoạch sẽ được chế biến, tẩm ướp gia vị, đóng gói bán ra thị trường.

Với năng suất cao, cho hiệu quả kinh tế vượt trội, cùng với đó là chất lượng thơm, ngọt đặc trưng riêng từ sản phẩm cá thát lát ở Hậu Giang, hiện nay, nghề nuôi cá thát lát đang được mở rộng nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm thương hiệu cá thát lát Hậu Giang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường tiêu thụ, góp phần vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Sản phẩm cá thát lát cườm Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ độc quyền từ hơn năm 2014, nhưng việc phát triển đối tượng nuôi này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là do nghề nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái nên thường bấp bênh. Vì vậy mới đây, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tổ chức cuộc họp giữa doanh nghiệp và hộ nuôi cá trong tỉnh, nhằm tìm phương án liên kết sản xuất chuỗi hiệu quả nhất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá thát lát cườm của địa phương.

MỸ HUYỀN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024