ISSN-2815-5823
Thứ tư, 11h53 27/10/2021

Phải biến mạng xã hội là công cụ để khẳng định hơn uy tín của báo chí chính thống

(KDPT) – Tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) vừa tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước sự phát triển của không gian mạng”. Mục đích hội thảo, nhằm định hướng và có cái nhìn đúng đắn khách quan về không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, cho biết, những kết quả đạt được trong thời gian qua của các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống báo chí LHHVN đáng khích lệ, tự hào. Tuy nhiên yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay rất lớn, vì vậy, để hoạt động báo chí của LHHVN phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước giao phó trên từng giấy phép xuất bản của từng cơ quan báo chí thì các cơ quan báo chí trong hệ thống LHHVN cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phải đặt ra và thực hiện lộ trình, phương hướng phát triển của mình, đề ra những biện pháp để khắc phục khó khăn tồn tại.

PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam phát biểu khai mạc

Tại hội thảo, các diễn giả cùng thảo luận về vấn đề ảnh hưởng từ sự phát triển thông tin trên không gian mạng, từ đó rút ra những giải pháp để báo chí ngày càng ổn định và phát triển, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính khách quan, tính định hướng cao, thu hút đông đảo bạn đọc.

Nhà báo Nguyễn Thiệu Anh, Viện trưởng Viện IOHEC, Thường trực Hội đồng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển, phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thiệu Anh, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng, Thường trực Hội đồng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển, nhấn mạnh, đã đến lúc báo chí phải thay đổi để đồng hành cùng xu thế, hãy coi không gian mạng là thực thể tồn tại tất yếu, không phải là đối thủ cần đối đầu, mà phải biến không gian mạng thành công cụ và trợ thủ đắc lực cho nghề nghiệp hoạt động chính thống của mình, qua đó khẳng định thông tin mình đưa ra, chuyên sâu hơn, đa chiều hơn, hàm lượng phong phú hơn so với cùng nội dung thông tin đó đã đăng trên mạng xã hội. Một nhà báo đăng thông tin lên facebook sẽ khác với một công dân ở lĩnh vực khác cũng dùng facebook, bởi hiệu ứng tiếp nhận và lan tỏa ở phạm trù đa tầng hơn. Mỗi giai đoạn phát triển của xã hội đều đặt ra những cơ hội và thách thức riêng với báo chí. Trước sức ép của mạng xã hội, điều quan trọng là người làm báo phải luôn vững ngòi bút, vượt lên chính mình để bắt kịp xu hướng phát triển báo chí hiện đại, đồng thời phải góp phần cho sự ổn định chính trị – xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Thông tin báo chí có nguồn gốc rõ ràng, thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, có thể phân tích, bình luận, đánh giá – điều mà mạng xã hội không làm được. Nhà báo Thiệu Anh cũng lấy ví dụ, “Trong Viện của cơ quan tôi, vừa tổ chức một sự kiện về vấn đề rất nóng đối với nền kinh tế, đó là kinh tế tuần hoàn. Diễn biến sự kiện được phát trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội và thu hút lượt xem khá đông. Nhưng khi sự kiện đó kết thúc, các cơ quan báo chí chính thống đăng tải, lại thu hút rất ít người đọc. Vậy ở đây đặt ra hai vấn đề, đó là chạy đua thông tin và cách quảng bá thông tin. Khi ta có thông tin chính thống đăng tải rồi, thì ta phải quảng bá đa diện, đa chiều trên mọi nền tảng, chứ không thể để thông tin đó chết chìm, bởi không phải cơ quan báo chí nào cũng đủ tiềm lực đầu tư một website công nghệ hiện đại, nhất là trong hệ thống báo chí VUSTA, khi mà các nguồn lực hỗ trợ ngày càng thu hẹp hoặc gần như không có. Một vấn đề nữa cần bàn, đó là uy tín của tòa soạn tạo nên sự tin cậy cho độc giả khi tiếp nhận thông tin. Một hàm lương thông tin đăng tải trên báo chí chính thống, sau đó được quảng bá trên mạng xã hội phải bảo đảm tính chính xác chân thực và tính thị hiếu. Có thể là về những con người đặc biệt, hoặc con người không đặc biệt thì vấn đề phải đặc biệt, phải có giá trị. Muốn có uy tín về thông tin như vậy, thì phải có bộ máy chuyên nghiệp từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên. Hiện nay, quá nhiều nội dung báo chí đăng tải hời hợt, cẩu thả, đăng chỉ để cho có link, dẫn đến uy tín tòa soạn đó bị giảm sút. Như vậy, vô hình trung, các linhk bài chia sẻ của tạp chí đó trên các mạng xã hội sẽ không còn thu hút, thậm chí bị đánh giá về tư cách đạo đức, về tác phong nghiệp vụ chuyên môn. Thứ ba, đó là vấn đề quản lý. Hiện nay mạng xã hội có rất nhiều thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của các tòa soạn. Khi mỗi cơ quan báo chí trở thành nạn nhân của không gian mạng, thì rất cần lãnh đạo VUSTA cùng vào cuộc, vừa làm trọng tài, vừa phối hợp với Cục Phát thanh – Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông), để làm sáng tỏ vấn đề, trả lại uy tín cho cơ quan báo chí thành viên, đồng thời siết chặt khâu kiểm soát trong công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám (Báo Dân trí) phát biểu tại Hội thảo.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám, Báo Dân trí nhận định, sự phát triển của không gian mạng biến tất cả mọi người đều có thể là “nhà báo” đưa thông tin tới độc giả nhanh chóng. Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội không chịu sự kiểm duyệt kỹ càng, nội dung chủ yếu là giật gân, câu khách. Trong khi đó, lực lượng phóng viên cũng như quy trình làm báo hiện nay ở nước ta rất chặt chẽ, phải thông qua kiểm định để đưa thông tin chính xác. Vì vậy, dù thông tin trên mạng chiếm ưu thế về thời gian, song báo chí vẫn có thể giữ vai trò của mình bằng việc truyền tải thông tin có kiểm chứng, thông tin chính xác, có nguồn gốc rõ ràng hay những thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, với những bài phân tích, bình luận đa chiều. Đây là cơ hội để báo chí tận dụng thế mạnh và đổi mới mình nhằm thu hút độc giả.

Nhà báo Vũ Tuấn Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý cho rằng, môi trường internet phát triển quá nhanh và sự tự do trong việc đăng tải tin tức mạng xã hội khiến những thông tin giả, tin rác và tin chính thống đang trộn lẫn, cạnh tranh nhau trên không gian mạng. Vì vậy để có thể chung sống với mạng xã hội, chia sẻ thị phần quảng cáo cũng như tồn tại trong môi trường cạnh tranh tin tức thì các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau trong việc đưa tin bản quyền, dẫn tin của nhau; bắt tay nhau trong việc cùng chia sẻ nguồn tin, có cùng quan điểm để phát triển luồng thông tin, tuyến bài viết, đề tài triển khai.

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo lại khẳng định, báo chí cần coi mạng xã hội vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh. Mạng xã hội là kênh thu thập, kiểm chứng, mở rộng thông tin, quảng bá thương hiệu cho tòa soạn. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới báo chí như: Hiện tượng tin giả tràn lan, tác động lớn đến nguồn thu của báo chí, dễ bị mạng xã hội dẫn dắt thông tin. Muốn phát triển tòa soạn, tạo được thương hiệu cần có nội dung tốt, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, làm đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo; bảo đảm kinh tế của tòa soạn; xác định rõ nhóm công chúng khác nhau để tìm công chúng đích; xây dựng và định vị thương hiệu cho tòa soạn, có những sản phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội.

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, phát biểu.

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí là rất lớn. Vì vậy, để hoạt động báo chí của LHHVN phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước cần phấn đấu trở thành thương hiệu mạnh; đặt ra và thực hiện lộ trình, phương hướng phát triển; đề ra những biện pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại để thực sự là công cụ thông tin tuyên truyền có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và của LHHVN.

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam nêu rõ, hệ thống báo chí của Liên Hiệp hội Việt Nam đã luôn chú trọng thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động trọng tâm của Liên Hiệp hội Việt Nam về Tư vấn giám định và phản biện xã hội; Phổ biến kiến thức, khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế… đã được thôngtin kịp thời, đầy đủ và đa dạng. Tuy nhiên,để hoạt động báo chí của Liên Hiệp hội Việt Nam phát huyđược thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quanthông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên Hiệp hội Việt Nam cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phải đặt ra và thực hiện lộ trình, phương hướng phát triển để đưa tờ báo của mình thực sự là công cụ thông tin tuyên truyền có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và của Liên Hiệp hội Việt Nam.

NGÂN GIANG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024