ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ năm, 15h43 09/11/2023

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam: Động lực và thách thức

(KDPT) - Với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, kinh tế số đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Động lực cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023. Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho sự phát triển kinh tế số. Trong đó, có thể kể đến chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Ngoài ra, chính phủ cũng đang tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 và sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2023-2025.

Tập đoàn Google, Công ty Temasek và Công ty Bain & Company vừa công bố Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8. Bản báo cáo này cập nhật xu hướng kinh tế số của sáu quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo chỉ rõ Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Tăng trưởng GMV trong hai năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.

Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.

Ngành du lịch được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa. Du lịch trực tuyến đã tăng 82% trong năm qua và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tăng 21% từ 2023 đến 2025, với mức GMV dự kiến đạt 7 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo, các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam bao gồm ngành vận tải và thực phẩm (dịch vụ giao đồ ăn) và truyền thông trực tuyến. Lĩnh vực này đã tăng trưởng 10% từ 2022 đến 2023, dự kiến CAGR tăng 16% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam tăng 11% trong giai đoạn 2022 - 2023, dự kiến GMV sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng kép hàng năm tới 15% trong giai đoạn 2023 - 2025.

Trong phiên họp chuyên đề thứ 2 trong năm nay của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của kinh tế số và chỉ rõ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng trên 20%/năm. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức và cần phải có giải pháp đột phá mới có thể đạt được - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Hiện nay, các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trực tuyến, giáo dục trực tuyến và du lịch trực tuyến đang được đẩy mạnh trong kinh tế số tại Việt Nam. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cũng đang áp dụng các giải pháp kinh tế số để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cụ thể, các công ty công nghệ lớn như Viettel, FPT và VNG… đang dẫn đầu trong lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam. Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp như Tiki, Sendo và Grab cũng đang có sự phát triển mạnh mẽ trong thị trường kinh tế số của Việt Nam.

Thách thức với sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực số ảnh hưởng lớn đến tốc độ hiện thực hóa nền kinh tế số. Do đó, lấp đầy khoảng trống nguồn nhân lực số, bảo đảm từ số lượng đến chất lượng, kỹ năng là yêu cầu cấp thiết. Để phát triển và sở hữu được nguồn nhân lực số, vai trò của giáo dục - đào tạo được đánh giá là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược.

Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Mặt khác, chỉ 40% doanh nghiệp có đủ kỹ năng CNTT và truyền thông để duy trì, khai thác hệ thống công nghệ số. Dự báo đến năm 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu lao động.

Nguồn nhân lực số đang thiếu hụt trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh tế số trong việc tuyển dụng và duy trì nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý đến sự cần thiết phải đo lường được kinh tế số quốc gia cũng như kinh tế số từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Chỉ có đo lường được mức độ phát triển kinh tế số với độ trễ thấp, theo tháng, theo quý thì mới có dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Cần đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, việc đo lường mức độ phát triển kinh tế số.

Để giải quyết vấn đề thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cần có một cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Chính phủ cần tạo ra một cơ chế phối hợp hiệu quả để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong việc triển khai các dự án kinh tế số.

Trong phiên họp chuyên đề thứ 2 trong năm nay của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”, theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội (Bộ TT&TT), xét thấy vai trò động lực quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để có cơ sở dự báo xu hướng, đánh giá tác động của chính sách với sự tăng trưởng kinh tế số, trong thời gian Tổng cục Thống kê chưa chính thức công bố, nhóm nghiên cứu của Bộ TT&TT và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đề xuất phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước liên tục tăng từ năm 2021 đến nay, từ 11,91% năm 2021 lên 14,29% năm 2022 và ước tính 6 tháng đầu năm 2023 là gần 15%. Trong đó, năm 2022 tỷ lệ giữa kinh tế số ICT và lan tỏa ICT trong các ngành, lĩnh vực lần lượt là 65% và 35%.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&ĐT và Bộ TT&TT đã ký kết biên bản thỏa thuận phối hợp công tác về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Ngày 30/8/2023, trong khuôn khổ chương trình phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT đã ký kết thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số là nâng cao ý thức và kiến thức về kinh tế số cho người dân. Chính phủ cần đầu tư vào các chương trình giáo dục và tuyên truyền để tăng cường kiến thức và ý thức của người dân về kinh tế số, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh tế số.

Đưa ra khái niệm kinh tế số theo nghĩa rộng với mong muốn ai cũng có thể hiểu và làm được, muốn tăng trưởng nhanh, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.

Không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số và yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Phát triển kinh tế số Việt Nam cơ bản phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Chỉ rõ về lâu dài kinh tế số ngành sẽ là chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu. Bởi vậy, đặc điểm dân tộc, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành là yếu tố quyết định.

“Việt Nam phải đi con đường Việt Nam và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng lý luận này”, Bộ trưởng khẳng định.

Kinh tế số đang là một xu hướng không thể ngăn cản được trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Với sự hỗ trợ và khuyến khích của chính phủ, cùng với sự gia tăng của người dùng internet và smartphone, kinh tế số đang có những bước tiến đáng kể tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này, Việt Nam cần phải đối mặt với nhiều thách thức, và cần có các giải pháp thích hợp để vượt qua những thách thức này. Chỉ khi đó, kinh tế số sẽ đóng góp một cách tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024