Phát triển kinh tế tư nhân “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm…”
(KDPT) – Từ khi bắt đầu đổi mới, phát triển kinh tế tư nhân luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng với kỳ vọng kinh tế tư nhân sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Khi còn công tác ở Ban Kinh tế Trung ương, tôi đã được tham gia xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Gần đây, trong bối cảnh kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, 85% lực lượng lao động xã hội, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, QH cũng đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Trong các luật chuyên ngành do Quốc hội ban hành luôn được thiết kế các điều khoản khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, nhìn chung, môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân đang được dần cải thiện theo hướng bình đẳng hơn, minh bạch hơn, trên nền tảng một nền hành chính công đang được ráo riết cải cách theo hướng hiện đại, số hóa để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho khởi nghiệp, cho đổi mới sáng tạo; kết cấu hạ tầng kỹ thuật dần được cải thiện, chi phí logistics, chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm,… nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân. Tất cả đang có sự chuyển biến khá rõ nét.
Trên nền những tiến bộ rõ nét trong chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đó, những cải thiện trong thực tế phụ thuộc rất nhiều vào các cấp tổ chức thực hiện, thực thi chính sách. Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã từng chỉ rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Cơ chế chính sách tốt, khung khổ pháp lý rõ ràng, các cân đối vĩ mô ổn định, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, mở ra nhiều cơ hội, triển vọng cho kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dân doanh vẫn bươn chải trong muôn vàn khó khăn, một phần là do một bộ phận trong bộ máy công quyền không đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chưa kể đến tệ nạn tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, quan liêu… Không ít trường hợp, những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất còn “làm hỏng” doanh nghiệp tư nhân theo cách “vòi tiền” để đổi lấy những “mách nước lách luật”, “vẽ đường cho hươu chạy” theo hướng vi phạm pháp luật dựa trên sự thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật của doanh nghiệp.
Cũng có trường hợp xảy ra sai phạm của doanh nghiệp do năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành được phân công của cán bộ yếu kém. Nếu những cán bộ, công chức này có năng lực chuyên môn, làm tròn bổn phận, trách nhiệm là người quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện mọi quy định của pháp luật thì có lẽ sẽ có ít hơn trường hợp doanh nghiệp tự ý “xé rào”, vi phạm pháp luật đến mức phải truy tố. Còn những doanh nghiệp không chịu “bôi trơn” thì vẫn cứ phải “đến hẹn lại lên”, không biết bao giờ mới xong việc vì sai “một cái dấu phẩy” cũng không được. Vì thế, theo Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3.2019, còn tới 58% doanh nghiệp bị nhũng nhiễu và 54% phải trả chi phí bôi trơn…
Chúng ta có thể thấy rõ, tình trạng này khi một loạt vụ việc vi phạm pháp luật gần đây. Bên cạnh các doanh nghiệp có sai phạm luôn có các công chức nhà nước sa ngã. Thí dụ, trong quá trình đô thị hóa, do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý đô thị tuy tương đối đồng bộ, nhưng vẫn còn một số điểm mâu thuẫn, chồng chéo nên một số cán bộ cấp cơ sở đã tùy tiện trong quá trình xử lý hồ sơ cấp phép, điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho nhà đầu tư,… gây ra những hệ lụy về pháp lý, tài chính hết sức phức tạp đối với Nhà nước và người dân trong vùng dự án. Đơn cử như khi người dân chỉ cần đổ một xe cát trên vỉa hè hay lòng đường là cán bộ quản lý đô thị có mặt ngay, trong khi hàng chục nhà cao tầng chen chân trên một mảnh đất hẹp ở như ở bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) chẳng hạn, rõ ràng là trái với quy hoạch, lại tồn tại dài dài. Hoặc, thực hiện “Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011 – 2020”, bám sát Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6.2.2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, ngành thuế đã đặt mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020 với 99,83% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử hiện nay tại tất cả các tỉnh, thành phố và chi cục thuế trực thuộc, tuy nhiên số vụ việc gây thất thu thuế, khiếu nại về cách tính thuế vẫn còn khá nhiều.
Môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế tư nhân phải đến từ hai phía: Thể chế và con người thực thi. Vì thế, lời Bác Hồ căn dặn ngày nào “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” vẫn còn nguyên giá trị trong việc xây dựng và thực thi chính sách không chỉ cho khu vực kinh tế tư nhân mà đối với các thành phần kinh tế khác. “Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân” cũng là để thực hiện lời dạy của Bác. Được như vậy thì kinh tế tư nhân mới trở thành nòng cốt, động lực phát triển kinh tế đất nước với ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, 2 triệu doanh nghiệp năm 2030 và có tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt khoảng 50% vào năm 2020, 60 – 65% năm 2030 như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Trần Minh Hạnh