Phát triển thành phố thông minh - Xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại
Các quốc gia Châu Á đang phát triển thành phố thông minh như thế nào ?
Từ nhiều năm về trước, một số quốc gia trên thế giới đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc xây dựng các đô thị thông minh với vai trò nghiên cứu- triển khai phục vụ thương mại hoá sản phẩm công nghệ cao; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Xu thế đô thị hóa bền vững và phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh đang ngày càng được quan tâm, áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhận thấy điều đó, Việt Nam đã có những chuyến đi tham khảo, trao đổi, quan sát và học tập kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh, nhất là các nước Châu Á có đặc điểm tương đồng là vô cùng quan trọng.
Vào đầu tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Triển lãm quy hoạch quốc gia thông minh ở Singapore. Theo đó, Thủ tướng đã tham quan mô hình toàn cảnh Singapore (Island-wide model) và nghe lãnh đạo Cơ quan Phát triển đô thị Singapore (URA) giới thiệu về quá trình phát triển của Singapore với tư cách là một quốc gia thành phố; các vấn đề quan trọng như quy hoạch và sử dụng đất, phát triển nhà ở cho người dân. Với việc ứng dụng công nghệ cho thành phố và cung cấp các dịch vụ cho người dân, Singapore đã giữ vị trí mô hình “thành phố thông minh” nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trước mô hình thành phố thông minh của Singapore. |
Với việc đi đầu trong chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, Singapore đầu tư xây dựng mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh và wifi miễn phí; phủ kín mạng lưới cảm biến đường phố để tính phí đường bộ chính xác theo định vị, đồng thời cung cấp thông tin giao thông và nhiều dịch vụ tiện ích như sạc tự động, quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến để qua đường.
Về triết lý quy hoạch, lãnh đạo URA cho biết trong quy hoạch, Singapore xác định tầm nhìn dài hạn, có những quy hoạch tính tới mục tiêu xa 50 năm và cả bộ máy sẽ phải làm gì, vận động thế nào để đạt mục tiêu đề ra. Lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore chia sẻ thêm, yếu tố quyết định thành công là phải giải quyết được những vấn đề của người dân, xem họ cần gì; công nghệ đã có nhưng phải làm thế nào để người dân muốn sử dụng và sử dụng được.
Để có thêm cái nhìn rõ hơn về thành phố thông minh, vào tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến thăm Khu mới Hùng An của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Đây là khu kinh tế mới thí điểm cấp quốc gia về đổi mới và phát triển nền kinh tế số, thành phố xanh, thông minh của Trung Quốc, với sự tương tác hài hòa giữa con người và môi trường. Đây cũng là nơi sẽ đảm nhiệm một phần chức năng của Thủ đô Bắc Kinh.
Đến nay, cơ sở hạ tầng của khu Hùng An đã và đang được đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại. Các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc kết nối thuận tiện. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, các trung tâm thương mại, tài chính, các khu cao ốc văn phòng, khu dân cư đã và đang được xây dựng hiện đại và khống chế về mật độ, chiều cao. Với việc sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ mới, vật liệu mới và năng lượng mới phù hợp với phát triển kinh tế số, xã hội số, Hùng An sẽ trở thành một thành phố thông minh kiểu mẫu với những công nghệ hiện đại.
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với việc khai thác tối đa nguồn lực lòng đất để phát triển hạ tầng, cũng như việc xanh hóa Khu mới Hùng An. Theo Thủ tướng, đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Áp dụng kinh nghiệm từ thế giới cho việc phát triển đô thị tại Việt Nam
Từ những thực tiễn đã quan sát tại Trung Quốc và Singapore, vào đầu tháng 7 vừa qua UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND Thành phố thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045. Qua đó tiến những bước mới quan trọng trong việc hiện thực hóa các thành phố thông minh tại đất nước.
Nội dung tờ trình thể hiện rõ việc Hà Nội sẽ phát triển 2 thành phố mới ở phía bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai).
Thành phố phía bắc (Khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) sẽ lấy khu vực sân bay Nội Bài làm trung tâm |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng đã có những khảo sát và làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bí thư Hà Nội đánh giá một số cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ đã hình thành như: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trạm điều khiển Vệ tinh nhỏ của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao và giám định công nghệ của thành phố Hà Nội.
Hà Nội cũng xác định xây dựng Hòa Lạc trở thành trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao; thành phố của những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích theo quy hoạch là 1.586 hecta, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai với 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ như hồ, vùng đệm, cây xanh. Quy mô dân số Khu công nghệ cao theo dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người. Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.410 ha.
Bên cạnh đó, về định hướng phát triển thành phố phía bắc, vị trí đề xuất trung tâm thành phố dự kiến tại khu vực phía nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu du tích Cổ Loa,…
Tổng diện tích thành phố phía Bắc sông Hồng rộng khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. UBND TP Hà Nội định hướng xây dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Song song với việc định hướng các đô thị mới trong tương lại, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu tại đô thị; thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Với việc có những đô thị kiểu mẫu như Trung Quốc và Singapore, chúng ta sẽ giải quyết nhiều những khó khăn, tồn đọng về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, giáo dục, y tế,... Một thành phố hiện đại sẽ nâng tầm giá trị nhiều mặt cho đất nước, tạo cơ hội phát triển công bằng cho người dân. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị quá, các thể chế, chính sách phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong triển khai, thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển đô thị.
Kỳ vọng về thành phố thông minh, nơi là trái tim cho sự phát triển khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo chất lượng cao, đã, đang và sẽ là hướng đi quan trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội xác định quy hoạch 2 thành phố trên trở thành thành phố khoa học công nghệ với hướng hiện đại, sinh thái. Kết hợp với chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao, cùng doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống cũng là ưu tiên hàng đầu cho nỗ lực hướng đến tương lai về thành phố tiên tiến, hiện đại.