Phát triển thị trường truyện tranh Việt Nam: Tạo vị thế và mở lối đi mới
Chưa có nghiên cứu sâu
Nói về sự phát triển của truyện tranh, nhiều nước đã sải những bước dài, đưa truyện tranh thành một ngành thu lợi lớn. Ở nước ta không phải không có những tìm tòi, nỗ lực… từ một bộ phận họa sĩ, nhóm họa sĩ, hay các đơn vị xuất bản, song tất cả đều chưa đủ tạo ra thay đổi lớn. Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực trẻ về hội họa và mỹ thuật công nghiệp Việt Nam nhiều nhưng chưa xác định được rõ tiềm năng, thử thách và đòi hỏi của ngành nghề.
Đặc biệt, định nghĩa truyện tranh của chúng ta lâu nay là “truyện có tranh minh họa cho thiếu nhi” thì rõ ràng cũng đã cũ. Giám đốc Học viện Nghệ thuật và Thiết kế Monter Lab Trần Đức Anh lý giải, truyện tranh Mỹ đã phát triển với kỷ nguyên vàng vào những năm 1930 – 1935. Nhưng đến sau 1954, Nhật Bản khôi phục kinh tế, bắt đầu phát triển truyện tranh một cách mạnh mẽ. Sau đó vài thập kỷ, truyện tranh Nhật Bản vươn ra khắp thế giới, tấn công lại thị trường Mỹ. Hay như Trung Quốc đầu tư rất mạnh cho ngành sở hữu trí tuệ, sáng tạo ra hai nhân vật hoạt hình mới là Cừu vui vẻ và Sói xám, với tham vọng từng bước thay thế hình ảnh chuột Micky.
Đến Hàn Quốc, làn sóng văn hóa Hallyu đã song hành và nâng đỡ truyện tranh, nhất là vào những năm 2000. Hầu hết tác phẩm phim ảnh tại đất nước này đều xuất hiện cùng lúc xuất bản dòng truyện tranh, tất cả tựa truyện tiềm năng đều được chuyển thể thành phim, rồi bước sang thị trường trò chơi vô cùng ăn khách… Vậy nhưng, chúng ta chưa có nghiên cứu sâu về những ví dụ này để làm bài học cho thị trường truyện tranh Việt Nam.
Đứng trên vai người khổng lồ
Truyện tranh thực sự đã “bén rễ” tại Việt Nam từ những năm 1990, với xuất phát điểm là bộ truyện “Dũng sĩ Hesman” của họa sĩ Hùng Lân, dài 159 tập, do NXB Mỹ thuật Hà Nội phát hành. Ở thời kỳ mà internet chưa phát triển thì việc vẽ những bộ truyện mang phong cách mới mẻ đòi hỏi nhiều nỗ lực của tác giả. Ngay sau đó, “Thần Đồng Đất Việt”, với 172 tập, bộ truyện tranh thành công nhất và dài nhất của Việt Nam, xuất bản năm 2002 bởi Công ty Phan Thị, được xem là thành công lớn của thị trường truyện tranh Việt. Tuy nhiên, thị trường truyện tranh Việt dần yếu đi do không cạnh tranh được với manga bản quyền và các tạp chí truyện tranh dần cạn kiệt tài chính. Mặc dù vài năm gần đây truyện tranh Việt bắt đầu tạo được dấu ấn qua một số sản phẩm có chất lượng, song theo nhận định của các nhà chuyên môn, vẫn chưa có phong cách riêng.
Để từng bước tạo vị thế và mở những lối đi khả quan hơn cho cộng đồng truyện tranh Việt Nam còn non trẻ, nhiều hình thức “làm truyện tranh kiểu mới” đã được thử nghiệm tại Việt Nam như gây quỹ cộng đồng, sản xuất truyện tranh kết hợp với các mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển truyện tranh thành phim hoạt hình, mua và đọc truyện tranh online… Họa sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam nhận định, nếu có chiến lược rõ ràng, truyện tranh Việt Nam thời gian tới vẫn hứa hẹn phát triển và gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Truyện tranh Việt nếu nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và đầu tư của những đơn vị có chức năng, với các sản phẩm văn hóa thuần Việt thì hoàn toàn có khả năng tiếp cận với độc giả quốc tế, thậm chí cạnh tranh cùng truyện tranh nước ngoài”.
Tất nhiên, những nhà chuyên môn cũng cần đặt mục tiêu đầu tiên là phải viết được công thức thành công, tìm được định nghĩa cho truyện tranh, hoạt hình của Việt Nam. Theo đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, vấn đề là ở cách làm. “Điều khiến tôi và nhiều họa sĩ quan tâm là cách chúng ta thể hiện như thế nào. Hiện tại, chúng tôi đang bắt tay thực hiện một dự án không có truyện tranh nhưng dựa trên nền tảng truyện tranh tại Nha Trang trên diện tích hơn 5.000m2. Công trình được xây dựng như công viên Disneyland. Nhà đầu tư muốn minh họa tại đây một câu chuyện thuần Việt, có hình ảnh của Dế Trũi và Dế Mèn, dựa trên truyện tranh “Dế Mèn phiêu lưu ký” do họa sĩ Tạ Huy Long minh họa, và bối cảnh phim hoạt hình 3D tôi đạo diễn. Tôi thấy giá trị truyện tranh là ở đó, câu chuyện của các họa sĩ truyện tranh chính là lòng tự hào dân tộc. Chúng ta hãy học những gì tinh hoa nhất của các nước trên tinh thần “đứng trên vai người khổng lồ” để thể hiện trí tuệ của người Việt Nam”.
Theo báo Đại biểu nhân dân