ISSN-2815-5823

Phim tài liệu Việt Nam và những so sánh chạnh lòng

(KDPT) – Theo dõi Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần 9 diễn ra từ ngày 8 đến 17-6 tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều khán giả phải thốt lên: Hình như phim tài liệu của Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ.

LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam thu hút cả khán giả trong và ngoài nước – Ảnh: TSF

Trong khi đó, các nước bạn cung cấp nguồn phim chất lượng cao.

Những so sánh chạnh lòng

Phim Thụy Điển được chiếu mở màn liên hoan phim năm nay mang tên Ingmar Bergman trong con mắt biên đạo múa. Đây là bộ phim chân dung đạo diễn điện ảnh kiêm đạo diễn sân khấu nổi tiếng Ingmar Bergman. Bộ phim dùng ngôn ngữ múa đương đại để thể hiện chân dung Ingmar Bergman.

Chiếu cùng buổi với bộ phim nói trên là phim Giáo sư Tôn Thất Tùng – người thầy tôn kính của Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương, tạo ra một sự so sánh không thể tránh khỏi.

Với một kịch bản thiếu chặt chẽ, lối kể lệ thuộc vào nguồn tư liệu ít ỏi, bộ phim thực sự chưa xứng tầm với cuộc đời của giáo sư Tôn Thất Tùng.

Được chiếu cùng ngày với bộ phim tài liệu Nhà soạn nhạc Karl Schiske và thế hệ kế cận của Áo, bộ phim Lê Bá Đảng từ Bích La đến Paris của đạo diễn phim điện ảnh kỳ cựu Đặng Nhật Minh cũng bị đặt trong thế so sánh.

Dù nhà sản xuất phim Lê Bá Đảng từ Bích La đến Paris giải thích họ đã gấp rút sang Paris làm bộ phim về Lê Bá Đảng, chỉ quay được ông trong khoảng một ngày, những ngày sau ông mệt và qua đời thì sản phẩm làm ra cho thấy nhà làm phim chưa nỗ lực hết sức.

Năm nay, Điện ảnh Quân đội đem tới bộ phim Khát vọng người về nạn nhân chất độc dioxin gây xúc động cho khán giả. Công tâm mà nói đó là do bản chất câu chuyện đã xúc động. Còn cách thể hiện của nhà làm phim rất cũ, trong phim còn có nhiều lời bình nói hộ nhân vật.

Ngoài ra, trong liên hoan phim có phim tài liệu khoa học Mưa a-xít chọn đề tài hay nhưng kịch bản dàn trải. Hay bộ phim Nhớ biển làm về hậu sự cố môi trường biển Formosa, nhà làm phim tránh né quá nhiều nên gây cảm giác bộ phim mới chỉ đi mơn man trên bề mặt.

Khi phim “làm theo kế hoạch”

Liên hoan phim tài liệu đã thu hút một lượng khán giả bền vững vì có nhiều phim tài liệu quốc tế phản ánh đề tài đặc biệt thú vị, có khả năng thay đổi nhận thức của con người.

So với phim châu Âu, phim Việt bị lép vế cả về kinh phí lẫn công nghệ làm phim. Tuy nhiên, Việt Nam lại là “mỏ” đề tài phong phú cho các nhà làm phim trong nước khai thác.

Hơn nữa, phim tài liệu không đòi hỏi chất lượng hình ảnh, âm thanh cầu kỳ như phim truyện. Với kinh phí thấp vẫn có thể cho ra một bộ phim tài liệu hay. Vấn đề còn lại: có ra được phim tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào tư duy của nhà làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, sau chín mùa theo dõi Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam, đã đưa ra nhận xét: “Phim tài liệu Việt Nam hàng chục năm vẫn dùng chung một công thức nên phim nào cũng giống nhau.

Để có một bộ phim hay, các nhà làm phim nước ngoài sẵn sàng theo đuổi đề tài 3-5 năm, trong khi các hãng phim tài liệu nhà nước chỉ làm phim trong vài tháng do cơ chế làm phim theo kế hoạch, rót kinh phí năm nào là phải làm năm đó và nhanh chóng nộp trong khoảng thời gian cho phép.

Tại sao chúng ta còn duy trì cơ chế sản xuất lạc hậu cho phim tài liệu? Tại sao cứ mãi duyệt kịch bản phim 30 phút? Tại sao cứ ràng buộc nhà làm phim về thời gian?”.

Ai không chịu thay đổi?

Thử tưởng tượng Đài truyền hình Việt Nam chuẩn bị chiếu phim hoạt hình 3D của nước ngoài nhưng mở đầu bằng hình hiệu của chương trình Những bông hoa nhỏ từ thập niên 1990, khán giả sẽ có cảm giác lệch pha thế nào!

Khán giả tham dự liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam suốt 9 năm nay đã phải chịu đựng cảm giác đó. Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương và Điện ảnh Quân đội vẫn đang dùng hình hiệu của hàng chục năm trước với đồ họa vô cùng thô sơ.

Điều đáng nói là sau 9 mùa tổ chức liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam, gần như năm nào cũng có các đạo diễn phim tài liệu châu Âu đến giảng dạy phương pháp làm phim tài liệu trực tiếp cho các nhà làm phim Việt Nam.

Nhưng chỉ có những nhà làm phim độc lập trẻ tham gia các khóa học này tiến bộ nhanh nhất. Mùa năm nay, chính những phim tài liệu ngắn của các nhà làm phim độc lập trẻ đem lại không khí tươi mới, dễ chịu cho liên hoan phim.

Phải kể tới Lẫn (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh), Khúc tình phố (ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội).

Còn Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương dù là đơn vị tổ chức các workshop, nhưng đến giờ vẫn áp dụng lối làm phim cũ vì bị bó buộc bởi cơ chế cũ: làm phim theo kế hoạch. Nên kết quả là mỗi mùa liên hoan, hãng có rất ít phim chất lượng để giới thiệu.

Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam là một cơ hội rất lớn để các nhà làm phim trong nước cọ xát, học hỏi kinh nghiệm.

Sau 9 năm học hỏi mà chỉ có một số cá nhân nhà làm phim thay đổi trong khi các trung tâm phim tài liệu lớn vẫn y nguyên, quả là một thực tế không lấy gì làm vui.

“Nếu chỉ ngồi đợi vốn”

Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 do Hiệp hội Các viện văn hóa và đại sứ quán các nước châu Âu phối hợp với Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương tổ chức.

Năm nay, Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương có một sản phẩm rất tốt là bộ phim Cuộc di cư của bầy cừu. Để làm bộ phim này, đạo diễn Đặng Linh đã tự đầu tư công sức, tiền bạc, thậm chí đi quay trước, sau đó mới trình kịch bản lên hãng. Khi kịch bản được duyệt, cô gấp rút về đích theo đúng kế hoạch của hãng.

“Làm phim theo cách này có nhiều rủi ro, vì đầu tư trước nhưng nếu kịch bản không được duyệt thì xôi hỏng bỏng không. Nhưng tôi vẫn làm vì tôi thấy các nhà làm phim tài liệu nước ngoài không bao giờ ngồi chờ vốn. Nếu chỉ ngồi đợi vốn thì khó làm được phim tài liệu” – đạo diễn Đặng Linh chia sẻ.

Theo báo Tuổi trẻ online



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 28/12/2024