Quản lý doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản: Từ chính sách đến thực tiễn ở Võ Nhai
Căn cứ chính sách
Triển khai Nghị định số 36/2020/NĐCP ngày 24/3/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2020, thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ), theo đó nội dung Nghị định đã bổ sung các hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2 đến 3 lần trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nhằm tăng sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.
Nhằm tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân nhận thức, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó nâng cao ý thức chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chúng tôi đưa ra góc nhìn từ chính sách đến ghi nhận thực tiễn liên quan đến hoạt động doanh nghiệp về khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).
Những năm gần đây tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hoặc khai thác quá mức tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, sinh hoạt của người dân, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai là một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, nhất là những hộ dân sống gần khu vực khai thác. Do lợi nhuận lớn, nên hiện nay hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi thường lựa chọn khai thác cát, sỏi ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh để trốn tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.Việc khai thác cát, sỏi nhiều nơi khiến đáy sông bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đập, bờ không chỉ làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP trong đó quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản, đồng thời đã quy định các hình thức, mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số nội dung chưa được quy định đầy đủ, mức xử phạt chưa cụ thể hoặc mang tính răn đe chưa cao, do đó, ngày 06/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Để mọi hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản đảm bảo đúng quy định, Nghị định 04/2022/NĐ –CP có một số nội dung:
1. Sửa hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung (khoản 2 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
Hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. (Trước đây, hình thức xử phạt chính còn bao gồm tước giấy giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất)
- Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. (Trước đây, không xử phạt đối với hành vi sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất và thời hạn đình chỉ chỉ từ 01 tháng đến 12 tháng – điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).
2. Bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
- Bổ sung Điều 5a Nghị định 36/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt hành chính lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm các hành vi vi phạm đã kết thúc và các hành vi vi phạm đang thực hiện là 02 năm.
- Bổ sung Điều 5b Nghị định 36/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 02 năm.
3. Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước (khoản 5 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Bỏ hình thức tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép đã bị sửa chữa, làm lệch nội dung đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp.
4. Tăng mức phạt với hành vi nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản (khoản 13 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi:
Nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định từ 30 ngày đến dưới 60 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo (Trước đây là chậm từ 15 ngày đến dưới 30 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo).
- Bổ sung quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi:
Không nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định (tổ chức, cá nhân nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản chậm từ 60 ngày trở lên kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo được xem là không nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản). (Trước đây, thời hạn nộp chậm báo cáo định kỳ là quá 30 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản)
Mức phạt này áp dụng với cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP)
5. Tăng mức phạt đối với hành vi nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản (khoản 14 Điều 36 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi:
Nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định từ 30 ngày đến dưới 60 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo.
- Bổ sung quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (tổ chức, cá nhân nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản chậm từ 60 ngày trở lên kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo được xem là không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản) (Trước đây, thời hạn nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản là quá 30 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền)
Mức phạt này áp dụng với cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).
Góc nhìn thực tiễn từ huyện Võ Nhai
Nhiều tháng nay, người dân sống dọc sông tại xã Sảng Mộc và xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên bức xúc trước việc khai thác cát sỏi gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, chăn nuôi của người dân.
Theo người dân, vùng đất bà con sinh sống là khu vực suối có nước chảy trong vắt phục vụ sinh hoạt nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng khai thác cát, sỏi diễn ra rầm rộ, khiến cho nước sông đục ngầu và có màu vàng đỏ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Người dân nhiều lần phản ảnh tới chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhưng tình trạng nguồn nước suối ô nhiễm này vẫn chưa được xử lý, bảo đảm an toàn cho nhân dân sinh hoạt, mà thậm chí hoạt động khai thác còn rầm rộ hơn.
Theo quan sát tại Km 17+900 (đường liên xã Thượng Nung - Sảng Mộc), khu vực khai thác cát, sỏi của Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến thực hiện việc xả thải ngay tại chỗ, nước bùn sau khi rửa cát, sỏi theo đó dẫn thẳng xuống lòng sông, không qua xử lý hay lắng lọc. Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, nước đục trên suối kéo dài khoảng 4km theo đường từ ngoài xã Thượng Nung vào trong điểm khai thác.
Theo ý kiến của người dân sinh sống tại xóm Trung Thành, xã Thượng Nung, trước thời điểm đơn vị khai thác Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến hoạt động, nguồn nước sinh hoạt của người dân đều sử dụng từ con suối, vì đây là suối chảy ở rừng đặc dụng đầu nguồn nên nguồn nước rất trong, mát và ngọt. Nhưng từ khi đơn vị khai thác cát, sỏi vào hoạt động thì nguồn nước suối đầu nguồn bị ô nhiễm nặng, nước đục ngầu không thể sử dụng sinh hoạt được, thậm chí người dân cũng không dám cho động vật uống mà chở nước từ nới khác về sử dụng.
Ông Nông Quốc Vo - Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, cho biết: Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến mới khai thác trên địa bàn xã Sảng Mộc năm 2023, điểm khai thác tại xã Thượng Nung là điểm chính. Trên này chỉ có điểm khai thác phụ”. Đồng thời ông Nông Quốc Vo xác nhận, trong hoạt động khai thác của Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến có đơn phản ánh ý kiến của người dân sinh sống gần suối về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Theo ông Vo cung cấp, thì vấn đề tiếp nhận phản ánh liên quan đơn vị khai thác Hợp Tác xã xây dựng Tân Tiến trước đó, cơ quan chuyên môn của huyện Võ Nhai đã có văn bản bản đề nghị Hợp Tác xã này phải có biện pháp đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường, yêu cầu xây dựng bể lắng, bể xử lý nước thải. Tuy nhiên vấn để này đến nay vẫn chưa được đơn vị khai thác khắc phục và thực hiện nghiêm túc.
Ông Nông Quốc Vo (bên trái)- Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc làm việc với PV Tạp chí Kinh doanh và Phát triển. |
Theo ông Ma Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, ngày 29/4/2023, nhận được đơn phản ánh của người dân xóm Trung Thành, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra và có buổi làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng. Định hướng buổi làm việc là tìm nguồn nước mới cho người dân, Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến hỗ trợ kinh phí mua ống dẫn nước, nhưng các hộ dân không đồng ý. Các hộ dân nhìn thấy nguồn nước đục cũng lo lắng, ngoài ảnh hưởng cuộc sống của con người còn ảnh hưởng đến chăn thả gia súc tại địa phương”. Cũng theo ông Hoàng, mặc dù sau đó UBND xã Thượng Nung có nhiều lần làm việc với người dân sinh sống quanh khu vực khai thác, đi đến phương án Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến hỗ trợ mỗi hộ dân mức kinh phí là 5.000 000 đồng/1 hộ để khoan (đào) giếng nước và có gửi văn bản đến đơn vị khai thác là Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến, nhưng cho đến thời điểm làm việc với phóng viên, thì chưa thấy phía đơn vị khai thác thực hiện hay phản hồi.
Ông Ma Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung làm việc với PV Tạp chí Kinh doanh và Phát triển. |
Hiện nay, có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng lớn từ hoạt động khai thác cát, sỏi của Hợp tác xã xây dựng Tân Tiến và đã làm đơn tập thể gửi chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí. Nội dung trong đơn nêu lên hậu quả của hoạt động khai thác cát, sỏi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguần nước sinh hoạt của người dân. Để hoạt động khai thác cát, sỏi đúng quy định pháp luật, không tạo hệ lụy nghiêm trọng hơn nữa đến môi trường đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của người dân hiện nay, rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương siết chặt, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát về hoạt động doanh nghiệp liên quan lĩnh vực khoáng sản và môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế của người dân nơi vùng đất còn nhiều khó khăn.
Tại khoản 18 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. |