Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
Theo Nghị quyết này, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.439 tỷ đồng (hai triệu, bốn trăm tám mươi tư nghìn, bốn trăm ba mươi chín tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022.
Bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng (hai trăm mười bốn nghìn, không trăm năm mươi ba tỷ đồng), bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng (bốn trăm năm mươi lăm nghìn, chín trăm hai mươi bẩy tỷ đồng).
Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện biện pháp giãn cách, giao thông, du lịch, dịch vụ bị đình trệ, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thương mại trong nước, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực chậm lại, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời ban hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chính sách phòng, chống dịch, an sinh xã hội.
Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 17,2% so với dự toán, trong đó thu nội địa vượt 15,9%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 21,2%. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2021 chủ động, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Bội chi ngân sách nhà nước được điều hành quản lý chặt chẽ và thấp hơn dự toán Quốc hội giao. Tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ giảm, kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động vốn giảm, góp phần củng cố an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được, Quốc hội cũng cho rằng: Kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước còn chưa nghiêm, các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục.
Dự toán thu tiền sử dụng đất của nhiều địa phương chưa sát so với thực hiện. Một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ, giao dự toán chậm. Công tác chuẩn bị đầu tư tại nhiều Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cả quy mô và tỷ trọng; còn nhiều khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi.
Nhiều Bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, còn tồn đọng nhiều kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm. Việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo các Nghị quyết của Quốc hội thực hiện chưa nghiêm.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Quyết nghị này ngày 19/6/2023.