ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 15h45 24/10/2021

Sàn đấu giá hay chiêu bài “thổi giá” sách?

(KDPT) – Trong bài trước, Tòa soạn đã nêu ra những dấu hiệu bất thường từ việc “độ” lại bìa sách phiên bản S của công ty CP Văn hoá Đông A (Công ty Đông A), ở bài này điều bất thường của những cuốn sách phiên bản S lại đến từ các hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Thương mại điện tử là một sản phẩm mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại (hay còn được gọi là CMCN 4.0). Đặc biệt cùng với sự ra đời của các mạng xã hội như faceboook, Twitter hay zalo….các sàn thương mại điện tử đã tạo ra một trào lưu mua sắm trên toàn cầu, thúc đẩy việc kinh doanh trên không gian mạng đối với các doanh nghiệp và mang lại cho họ nguồn doanh “khủng” từ hình thức mua sắm trực tuyến. Và việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử của công ty Đông A cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Giao dịch tràn lan, chốt sale ngất ngưởng

Dạo một vòng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến, dễ dàng nhận thấy các ấn bản sách của công ty Đông A được rao bán rất nhiều trên mọi trang thông tin bán hàng. Ngoài hai sàn thương mại điện tử lớn là Tiki và Lazada, các ấn bản sách của Đông A – đặc biệt là các phiên bản giới hạn S – còn được giới thiệu và rao bán trên các tài khoản của mạng xã hội Faceboook, có thể kể đến các fanpage có lượng người truy cập nhiều và thu hút nhiều thành viên tham gia như “CLB Sách S100”; “Sàn Đấu Giá Sách Việt”, “Đông A: Buy, Sell and Exchange”; “CLB Người chơi sách phiên bản giới hạn đặc biệt Việt Nam”. …Trong số các fanpage này thì “Đông A Gallery” là một fanpage nổi bật hơn cả bởi những dung lượng thông tin về số lượng thành viên mà nó thể hiện.

Xét về hình thức, có thể nhận thấy “Đông A Gallerry” như trang bán hàng chính thức của Công ty Đông A bởi trong đó cập nhật thường xuyên và liên tục các ấn bản mới nhất của Đông A kèm với đó là những thông tin chi tiết và cụ thể, những mô tả sản phẩm rất trau chuốt, tinh tế, hấp dẫn cho các sản ấn bản sách của người quản trị trang này. Vào trong fanpage, người mê sách như bị mê hoặc bởi mẫu mã những bìa sách đã được chỉnh sửa cực kỳ tinh xảo, kỳ công của những cuốn sách phiên bản S. Tuy nhiên, cũng giống như điều bất thường được phát hiện trong các bìa sách “độ” của loại sách phiên bản S, giá bán sách tại những trang fapage này cũng làm cho những người mê sách cảm thấy bất thường.

Ảnh chụp một trang giao diện của fanpage Đông A Gallerry

Cụ thể, trên hai sàn thương mại điện tử lớn là Tiki và Lazada, cuốn Napoleon Bonaparte (do công ty Đông A liên kết với Nhà xuất bản Văn học phát hành) bản thường được rao bán với giá 590.000 đồng (giá chưa có chiết khấu) thì cũng đối với cuốn này nhưng với phiên bản S, Đông A Gallerry công bố mức bán với giá 2,1 triệu đồng một cuốn (tức là cao gấp gần 4 lần). Nhưng chưa hết, cũng cuốn sách này tại các trang fanpage khác lại được rao bán với mức giá dao động từ 7.000.000 đồng đến 7.500.000 đồng (tức là cũng tăng gần 4 lần so với giá gốc). Điều này đã làm chúng tôi tò mò đặt ra câu hỏi “Tại sao sách của Đông A lại có giá cao như thế?” và trong quá trình tìm hiểu thông tin để giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã nhận ra một số điều khá “thú vị”.

Điều thú vị thứ nhất là ngoài Đông A Gallerry ra thì các ấn bản sách của công ty Đông A còn được giới thiệu và rao bán ở nhiều nhóm khác nữa như “CLB Sách S100”, “Sàn đấu giá sách Việt”, “ Mua bán – Trao đổi – Đấu giá sách đặc biệt, giới hạn S100, S500”…nói chung là các ấn bản S của Đông A có mặt ở khắp mọi nơi, điều thú vị thứ hai là trong tất các các sản giao dịch mua bán sách đó thì các ấn bản sách của Đông A luôn chiếm vị trí áp đảo về số lượng cũng như giá cả so với ấn bản của các nhà xuất bản khác mặc dù đều cùng phiên bản giới hạn sách S,và thêm một điều thú vị nữa là trong tất cả các sàn giao dịch mua bán sách phiên bản giới hạn đó đều có những tên tài khoản tham gia giao dịch rất quen thuộc, đó là những người xướng tên khơi mào các cuộc mua bán và cuối cùng “chốt sale” với giá cao ngất ngưởng cho các ấn bản sách của Đông A.

Những tìm hiểu trên đã khiến chúng tôi băn khoăn trước câu hỏi: Liệu đây có phải là một chiêu trò “thổi giá”, “làm giá”, tạo nên sự khan hiếm ảo trên thị trường để từ đó tung ra các sản phẩm với giá cao ngất ngưởng để bán kiếm lời? Đơn cử như một cuốn sách bản thường như Napoleon Bonaparte được bán với giá 590.000 đồng nhưng khi lên bản S đã có giá 2.100.000 đồng và rồi được tung lên các trang fanpage để rồi chốt giá bán dao động từ 7.000.000 đồng đến 7.500.000 đồng thì liệu có phải là điều bất thường?

Thông báo trên Đông A Gallerry về việc xuất bản cuốn Napoleon Bonaparte phiên bản giới hạn

Chính từ những điều bất thường trên đã làm cho chúng tôi liên tưởng đến những thương vụ giao dịch tiền tỷ trong mua bán “lan đột biến” mà cơ quan điều tra vừa mới phát hiện trong thời gian vừa qua. Theo thông báo từ phía cơ quan điều tra, lợi dụng niềm đam mê chơi lan của những người yêu hoa, các đối tượng lừa đảo đã câu kết với nhau tạo ra những sàn giao dịch ảo trong đó có những thương vụ giao dịch mua bán lan với số tiền khủng lên đến mức hàng tỷ đồng, sau đó chúng phát động những thương vụ giao dịch mua bán “lan đột biến” với giá “chóng mặt” để tạo ra một thị trường rất sôi động nhằm mục đích thu hút những người hám lời tham gia để dễ bề giở trò lừa đào. Hậu quả là đã có hàng trăm nạn nhân mắc bẫy bọn lừa đảo này với số tiền bị chiếm đoạt qua các giao dịch mua bán lan đột biến lên đến hàng chục tỷ đồng.

Lập sàn đấu giá “chui”?

Trở lại câu chuyện với các ấn bản sách của Đông A mà theo những người sưu tầm sách cho là đang “làm mưa làm gió” trên trị trường sách S, chúng tôi còn tìm hiểu và ghi nhận được một hoạt động mang đến cho những ấn bản sách S này của Đông A với những số tiền lớn đến giật mình.

Như đã đề cập ở phần trên, Đông A Gallerry được coi như một trang chính thống của Công ty Đông A trong việc giới thiệu các sản phẩm sách của Đông A. Nhưng có lẽ hoạt động chính mang lại doanh thu khủng cho Đông A lại đến từ việc tổ chức các phiên đấu giá trực tuyến các ấn bản sách S cho giới sưu tầm. Việc đấu giá này được Đông A Gallerry tổ chức thường xuyên và thu hút một lượng lớn các thành viên tham gia, qua đó đã tạo ra một sân chơi vô cùng kịch tính đối với các thành viên.

Cụ thể, theo thông báo tại fanpage Đông A Gallerry: trong phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 19.9 (Phiên Đấu giá chủ nhật số 15) vừa kết thúc, Đông A xin chúc mừng: Nhà sưu tầm Nguyệt Ánh đã sở hữu bản đặc biệt Cuốn theo chiều gió, bìa màu nâu Argil với mức 168.500.000đ. Nhà sưu tầm Ngô Quang Minh đã sở hữu bản đặc biệt Cuốn theo chiều gió, bìa màu xanh Avocado với mức 139.000.000đ.

Như vậy, bản bìa màu nâu Argil sẽ được Đông A đóng dấu “A”, bản bìa màu xanh Avocado sẽ được đóng dấu “Ô”. Tổng số tiền từ việc đấu giá 02 cuốn sách loại S này mà Đông A thu về là 307.500.000 đồng. Cũng cuốn sách này của Đông A rao bán trên trang Tiki loại bản thường bìa cứng chỉ có giá 630.000 đồng (chưa chiết khấu).

Thông báo kết quả đấu giá ấn bản “Cuốn theo chiều gió” trên Đông A Gallerry

Cũng tại Đông A Gallerry, một cuốn sách phiên bản S nữa là cuốn Bố Già cũng được bán theo hình thức đấu giá. Theo thông báo: tối 1/7, sách S100 Bố già số 40 đã được đưa lên sàn đấu giá trực tuyến Đông A – Buy, Sell & Exchange với số tiền thu về lên tới 85 triệu đồng. Tiếp theo sau đó, vào tối 18/7, phiên đấu giá ấn bản chữ A sách “Bố già” cũng đã được diễn ra. Mức đấu giá thành công là 260 triệu đồng, thuộc về nhà sưu tập Nguyệt Ánh. Như vậy chỉ thông qua 02 phiên đấu giá, một phiên bản S của Đông A đã thu về số tiền tổng cộng là 345.000.000 đồng. Trong khi đó tại sàn thương mại trực tuyến Tiki, cũng là ấn phẩm này nhưng thuộc loại bản thường bìa cứng được rao bán với giá chỉ 250.000 đồng (chưa chiết khấu).

Chỉ bằng một phép nhẩm đơn giản ta cũng có thể biết được lợi nhuận thu về từ việc bán đấu giá các ấn bản sách S của Đông A là khủng đến thế nào dù vẫn biết rằng chi phí để thiết kế tạo ra các bìa mẫu sách S mà Đông A bỏ ra cũng cao hơn rất nhiều so với các bìa sách bản thường.

Thông báo về giao dịch mua bán một ấn bản của Đông A

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều các phiên đấu giá mà Đông A Gallerry tổ chức. Ngoài đấu giá các ấn bản sách S, Đông A Gallerry còn tổ chức đấu giá trực tuyến các sản phẩm nghệ thuật khác như các tác phẩm hội hoạ của các nghệ sỹ trong và ngoài nước.

Việc tổ chức bán đấu giá các ấn phẩm S của mình đã tạo cho Đông A một nguồn doanh thu không hề nhỏ nếu xét trên phương diện thương mại điện tử. Tuy nhiên xét về khía cạnh pháp lý thì sàn đấu giá tại Đông A Gallerry này đã phù hợp với các quy định của nhà nước về tổ chức bán đấu giá tài sản và phù hợp với Luật bán đấu giá tài sản 2016 do Quốc hội khoá 14 ban hành chưa?

Cụ thể tại Mục 2 (Tổ chức đấu giá tài sản), điều 23 của Luật này có quy định rất rõ ràng về việc doanh nghiệp tổ chức đấu giá tài sản. Theo quy định tại điều này thì “Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh theo quy định của Luật này (Luật đấu giá tài sản – PV) và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như vậy đối chiếu với điều này có thể khẳng định: Công ty CP Văn hoá Đông A chỉ có thể tổ chức việc đấu giá nếu có giấy phép hoạt động là công ty đấu giá hoặc công ty hợp doanh. Do đó việc Đông A Gallerry với chức năng chỉ là một sàn giới thiệu sản phẩm nhưng đã tự tổ chức đấu giá trực tuyến trên mạng xã hội là đã có dấu hiệu vi phạm điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Hơn nữa, tại Nghị định 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ “quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản” thì tại điều 10 của Nghị định này quy định về trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đã nêu rất rõ: 1. Tổ chức đấu giá trực tuyến đăng tải quy chế đấu giá trên trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến. 2. Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản, được hướng dẫn sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung cần thiết khác trên trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá trực tuyến.

Như vậy, việc Đông A Gallerry sử dụng tài khoản mạng xã hội faceboook để tạo ra sàn đấu giá cho các thành viên của mình tham gia các phiên đấu giá trực tuyến đã tuân thủ theo đúng các quy định được nêu tại điều 10 Nghị định 62/2017 này chưa?

Chúng tôi đã liên hệ với Sở Tư pháp Hà Nội để tìm hiểu về các nội dung liên quan đến các thủ tục pháp lý của sàn đấu giá trực tuyến Đông A Gallerry và đang đợi câu trả lời từ Sở Tư pháp.

PV



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024