ISSN-2815-5823
Thứ tư, 04h05 20/06/2018

Sức cuộn từ bên dưới

(KDPT) – Tiểu thuyết gia người Pháp Francois Mauriac (1885-1970) là một văn hào thành danh sớm. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ở tuổi 47, tiếp đó nhận Giải Nobel văn học. Một người bạn ngỏ ý với viện sĩ, mời ông thi thoảng viết cho báo mình vài bài, viết thế nào cũng được, chỉ cần cái tên anh trên mặt báo. Ông gào lên: “Không! Một khi cầm đến cây bút thì phải dấn thân trọn mình vào bài viết nhỏ nhất”.

(Ảnh minh họa)

Nói như nhà văn trên thì dấn thân là một “đức tính” cần có của người làm báo. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo với xã hội. Báo chí phát triển trên nền tảng xã hội, trách nhiệm xã hội của nhà báo cũng là một mảng màu của nền tảng đó.

Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh truyền hình, còn lại là báo in, tạp chí và báo điện tử. Con số nhà báo được cấp thẻ khoảng 19 nghìn người cùng rất đông các nhà báo hành nghề chưa đủ điều kiện cấp thẻ và cộng tác viên viết báo có ở tất cả các tòa soạn và ban biên tập. Báo chí là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”, điều mà C.Mác đã nói về sứ mệnh chân chính của báo chí ngày càng chứng minh tính hiện thực sống động của nó. Đặc biệt là trong thời đại của “Internet nối mạng toàn cầu”, một sự kiện xảy ra, cho dù ở nơi khuất nẻo tít tắp cùng trời cuối đất của thế giới, thì lập tức mọi người ở khắp nơi đều có thể nhận được thông tin.

Báo chí là một chỉ báo sống động về đời sống tinh thần xủa xã hội. Hiểu được như vậy để có đủ căn cứ mà tin thêm vào sức mạnh của dân như tin vào tốc độ của dòng sông xuôi về biển cả. Tốc độ ấy được quyết định ở sức cuộn chảy từ bên dưới.

Khi mà “ngôi làng toàn cầu” đã trở nên gần gũi và chật hẹp, nhờ những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, “tấm gương tinh thần” đang được khuếch đại và sáng tỏ khi sức mạnh của báo chí tăng theo cấp số nhân. Kỹ thuật số đã lấp kín những khoảng trống không gian và thời gian của thế giới bằng sự kết nối mạng. Chính vì vậy mà thông tin kịp thời được cập nhật, và là chỉ báo xã hội học về trình độ văn minh mà một xã hội đạt được.

Báo chí đã có tiềng nói kịp thời qua những trang phóng sự nóng bỏng và đầy tính chiến đấu, góp phần to lớn vào việc đánh thức lương tri con người và dư luận xã hội, thôi thúc những hành động, những quyết sách kịp thời của những cơ quan chịu trách nhiệm. Nếu hiểm họa mội trường là sự trả thù của thiên nhiên đối với hành động vô ý thức của con người tàn phá chính một trường sống của mình, thì còn một sức tàn phá đáng sợ hơn, dai dẳng và thầm lặng hơn mà những hậu quả phải tính bằng thế hệ, đó là sự tàn phá môi trường xã hội.

Có những cái có thể phơi ra trước mắt mọi người như những tệ nạn xã hội mà ống kính nhà báo đã kịp thu vào để đưa ra công luận. Nhưng cũng có những cái không “chụp” được, sự xuống cấp của đạo lý xã hội chẳng hạn, cái có sức gặm nhấm và làm băng hoại cuộc sống con người từ trong tổ ấm gia đình ra đến cộng đồng nhỏ rồi cộng đồng lớn. Không “chụp” được bằng ống kính, thì ngòi bút sắc sảo giàu tính cảnh báo và thấm đượm tinh thần nhân văn của nhiều nhà báo đã kịp thời đưa tin với những bình luận hoặc phục dựng bằng những trang phóng sự sống động và giàu sức thuyết phục. Những trang báo như vậy trong một số tờ báo giàu tính chiến đấu mà những phóng viên của họ biết “sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”.

Và báo chí vẫn luôn lặng lẽ làm công việc của mình giữa đời sống thường nhật, như dòng sông, ở những đoạn nước xoáy, dòng chảy rẽ ngoặt, sức cuộn chảy từ bên dưới đẩy những bèo bọt, rác rưởi dồn lên, dạt vào hai bên bờ để dòng sông lại hiền hòa xuôi về biển lớn, cái đích phía chân trời!

Phương Thùy



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024