ISSN-2815-5823
Thứ ba, 03h53 14/08/2018

Tài chính thế giới lao đao vì khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ

(KDPT) – Đồng lira nước này đã lao dốc không phanh so với USD sau khi Mỹ gia tăng căng thẳng giữa hai nước bằng cách nâng gấp đôi thuế nhập khẩu nhôm thép.Tổng thống Mỹ – Donald Trump thông báo nâng thuế nhập khẩu lên 20% với nhôm và 50% với thép nước này – cao gấp đôi các nước khác. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích việc này trái với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhưng cơn sóng không chỉ ập đến với riêng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh hưởng từ đất nước này đã lan rộng khắp thị trường toàn cầu, trong đó chứng khoán châu Âu chịu tác động mạnh nhất bởi giới đầu tư lo ngại về việc các ngân hàng trong khu vực nắm giữ tài sản Thổ Nhĩ Kỳ. Các chỉ số chủ chốt của chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm 1-2%. Chứng khoán Mỹ cũng chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu trong sắc đỏ.

Tổng thống Erdogan phát biểu trước đám đông ở thành phố Ordu hôm 11/8. Ảnh: AP.

Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất giá hơn 40%. Đồng tiền này rớt xuống mức thấp kỷ lục vào ngày thứ Sáu, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Ankara vì mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa hai nước, trong đó có vụ bắt giữ mục sư người Mỹ.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh rằng đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ “đang lao dốc mạnh so với đồng USD rất mạnh của chúng tôi! Mối quan hệ của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đang không tốt”.

Là một thị trường mới nổi quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ nằm cạnh Iran, Iraq và Syria, đồng thời là một quốc gia chủ yếu thân phương Tây trong nhiều thập kỷ qua. Khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy bất ổn gia tăng tại một khu vực vốn dĩ có nhiều biến động.

Trong một bài phát biểu trước công chúng vào ngày thứ Sáu tuần trước, ông Erdogan không chỉ đích danh nhưng nói rằng những người ủng hộ cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ kỳ hai năm trước đã tấn công nước này theo những cách mới kể từ khi ông tái đắc cử Tổng thống cách đây 2 tháng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng kế hoạch đảo chính vào mùa hè năm 2016 được giật dây bởi một giáo sỹ Hồi giáo sống lưu vong ở Mỹ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nhiều bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây.

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc do lo ngại Tổng thống nước này – Tayyip Erdogan tăng cường kiểm soát nền kinh tế và quan hệ giữa họ với Mỹ ngày càng xuống cấp. “Đà giảm của đồng lira bắt đầu từ tháng 5 rồi. Theo tình hình hiện tại, nó chắc chắn sẽ kéo kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào suy thoái và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng”, Andrew Kenningham – kinh tế trưởng tại Capital Economics dự báo, “Đây có thể là cú sốc mới với tài sản của các nước mới nổi. Dù vậy, tác động kinh tế lan truyền sẽ không lớn, kể cả với eurozone”.

Kenningham lý giải nguyên nhân là GDP Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 900 tỷ USD, tương đương 1% toàn cầu. Thị trường chứng khoán nước này cũng chỉ có vốn hóa chưa bằng 2% Anh, với 20% thuộc sở hữu của nhà đầu tư ngoại. “Dù vậy, rắc rối tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một tin không mấy tốt đẹp với đồng euro và các nước mới nổi”, ông khẳng định.

Giá euro đã xuống đáy một năm so với USD. Hiện mỗi euro đổi được khoảng 1,137 USD. Đồng tiền các nước mới nổi khác, như peso Argentina và rand Nam Phi cũng chịu tác động từ tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Các nhà băng tại Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều liên quan đến khối nợ bằng ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nợ nước ngoài khổng lồ – trong khi nội tệ đang mất giá, và lạm phát được dự báo tăng mạnh là một sự kết hợp rất nguy hiểm”, các nhà phân tích tại ANZ cho biết.

Duy Khánh (tổng hợp)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024