Tăng cường công tác chống hàng giả - Ảnh minh họa.

Theo đó, thời gian tới Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chương trình kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ GTVT về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xây dựng các biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 khi có diễn biến phức tạp, cũng như khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận, thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả để có các giải pháp kiểm soát hoạt động vận tải phòng chống một cách có hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Trước mắt, cần chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không, nhất là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, chủ động đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó đưa ra các giải pháp mãnh mẽ, kiên quyết ngăn chặn, kịp thời có hiệu quả của hành vi vận chuyển hàng lậu.

Tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội bằng các hình thức phù hợp trong công tác tuyên truyền, bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan bằng các pano, áp phích tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không và địa bạn trọng điểm.

Đồng thời, xử lý nghiêm hoặc phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trước đó, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kết luận tại Hội nghị trực tuyến, đánh giá trong thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã thu được những kết quả khích lệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng, tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, số lượng, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, Nhiều chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn chưa được các cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, một số bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân tủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ chế chính sách sơ hở, bất cập tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa.