Tạo điều kiện cho ngành công nghiệp đột phá
Để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, cần giải bài toán thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). TP Cần Thơ đã chú trọng trong đầu tư hạ tầng và công nghệ để tạo nền tảng cơ sở phát triển công nghiệp.
Xác định những nhiệm vụ, giải pháp thúc đầy phát triển ngành công nghiệp, Nghị quyết 59 nêu rõ, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xây dựng khu công nghệ cao, KCN thông tin; khai thác và vận hành hiệu quả Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; thu hút đầu tư KCN Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Ðồng thời, thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái. Chủ động triển khai và khai thác có hiệu quả các thỏa thuận tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các FTA của ASEAN với các đối tác lớn.
Ông Nguyễn Thanh Tao, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho biết, bên cạnh việc mời gọi, thu hút đầu tư, Ban Quản lý còn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quy hoạch chung, đảm bảo trật tự xây dựng tại các KCN. Nhắc nhở các chủ đầu tư hạ tầng dự án xây dựng – kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN quan tâm và thường xuyên có kế hoạch duy tu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thứ cấp phát triển sản xuất và kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các KCN.
Theo Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, hiện nay, các KCN của thành phố có 251 dự án còn hiệu lực. Các dự án thuê 397,3 ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,77 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,109 tỷ USD, chiếm 62,79% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có 223 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,35 tỷ USD; 27 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 395,86 triệu USD, 1 dự án ODA khoảng 21,13 triệu USD.
Song song với đầu tư hạ tầng và công nghệ là mở hướng phát triển công nghiệp phù hợp với các tiềm năng của địa phương cũng như nhu cầu thị trường các sản phẩm.
Theo Ông Nguyễn Minh Toại, nối tiếp Nghị quyết 45, Nghị quyết 59 khẳng định vai trò của ngành công nghiệp chế biến, xác định chế biến nông, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp. Trong giai đoạn phát triển mới, ngành công nghiệp chế biến của thành phố buộc phải chuyển mình thay đổi; không chỉ sơ chế, chế biến thô để xuất khẩu mà hướng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ vượt trội để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA, nhất là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), để doanh nghiệp gia tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu cùng các thị trường khác.
Qua khảo sát, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đã tìm, lựa chọn được các vị trí phù hợp phát triển khu công nghiệp mới trên cơ sở ưu thế, thuận tiện về giao thông, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, giá thành cho thuê sẽ cạnh tranh và hấp dẫn hơn. Theo đó Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đang nghiên cứu, hoàn thiện văn bản trình Chính phủ bổ sung 2 KCN với diện tích 500 ha ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn nằm cặp với đường tỉnh 922 mới và KCN diện tích 900 ha ở địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Bên cạnh đó, 3 KCN là KCN Bắc Ô Môn 400 ha, KCN Ô Môn 600 ha và KCN Thốt Nốt giai đoạn 2 (diện tích 400 ha) đều đã được quy hoạch từ nhiều năm trước, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động mời gọi nhà đầu tư, song chưa đạt hiệu quả do chi phí giải phóng mặt bằng cao, làm tăng giá cho thuê và giảm sức hút với các nhà đầu tư thứ cấp nên Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đang nghiên cứu, hoàn thiện văn bản tham mưu cho UBND thành phố giải trình, bổ sung Ðề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố theo hướng đề xuất hủy quy hoạch 3 KCN này.
Ông Nguyễn Thanh Tao, cho biết thêm, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ nghiên cứu các quy định, chính sách để kiến nghị Thành ủy, HÐND, UBND thành phố và các bộ, ngành Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù, hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các KCN của thành phố nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 59.
LÂM KHANH