ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ tư, 08h00 03/04/2024

Thị trường chứng khoán tháng 4: Cơ hội nào để sinh lời?

(KDPT) - Hết quý I, VN-Index cho thấy, xác suất điều chỉnh lớn hơn vào tháng tới khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh sau 5 tháng liên tục có xu hướng tăng. Song, nhà đầu tư có tâm lý tích cực hơn khi dòng tiền lớn đã sẵn sàng vào thị trường. Các chuyên gia vẫn đánh giá tích cực chiến lược “theo dấu dòng tiền” trong bối cảnh hiện nay.

Khép lại thị trường chứng khoán tháng 3, chỉ số VN-Index đạt được kết quả khá ấn tượng khi lọt Top 3 chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất trên thế giới tính trong quý I/2024. Tính chung cả 3 tháng, VN-Index đạt mức tăng hơn 31 điểm, tương ứng tăng 2,5%, tiến đến gần ngưỡng 1.300 điểm quan trọng.

Không chỉ xác lập mức điểm cao kỷ lục trong gần 2 năm qua, tháng 3 còn đánh dấu cho việc dòng tiền sôi động trở lại. Các phiên giao dịch trong tháng đều vượt xa mức 20.000 tỷ đồng. Thậm chí có nhiều phiên trên 30.000 tỷ đồng và đã trở lại thời “hoàng kim” giao dịch trong vùng đỉnh 1.500 điểm vào cuối năm 2021 với tổng giá trị giao dịch là 43.130 tỷ đồng được xác lập vào phiên ngày 18/3.

Chỉ số VN-Index đạt được kết quả khá ấn tượng trong tháng 3.
Chỉ số VN-Index đạt được kết quả khá ấn tượng trong tháng 3.

Tuy nhiên, khối ngoại vẫn trong xu hướng bán ròng tại thị trường Việt Nam từ tháng 4/2023 đến nay và tăng mạnh hơn vào hồi đầu năm 2024. Tính riêng tháng 3, khối ngoại rút ròng hơn 10 nghìn tỷ đồng, dòng tiền này có xu hướng rút về trước thông tin Fed tăng lãi suất, khiến dòng vốn chảy ngược về Mỹ. Trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh càng thu hút các nhà đầu tư ngoại, khiến khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu ở thị trường mới nổi như Việt Nam.

Thị trường đã bước vào mùa báo cáo tài chính quý I/2024, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào xu hướng tích cực của thị trường tiếp tục kéo dài sang tháng 4. Theo các dự báo của chuyên gia, thị trường có thể duy trì đà tăng trong tuần đầu giao dịch của tháng 4, nhưng VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi bước vào vùng 1.300-1.330 điểm.

Áp lực điều chỉnh tăng cao

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang nghiêng về khả năng điều chỉnh nhiều hơn, nhất là khi chỉ số VN-Index đang giao dịch gần với ngưỡng kháng cự mạnh ở đường băng trên của kênh xu hướng tăng trong suốt gần 5 tháng qua. Vì vậy, tháng 4 xác suất cao sẽ có một đợt điều chỉnh khá lớn. 

Theo dữ liệu ghi nhận, chỉ số VN-Index trong giai đoạn 2020-2023 đạt mức tăng trưởng trung bình 2,3% trong tháng 4, xếp thứ tư, chỉ sau mức tăng của tháng 1, tháng 8, tháng 11. Thị trường trong một vài năm lao dốc mạnh vào tháng 4 với mức giảm lên tới 2 chữ số như năm 2017, 2018, 2022. Tuy nhiên có những năm lại tăng rất mạnh nhờ đón nhận các thông tin tích cực. Song, năm 2022 và 2023, chỉ số VN-Index đều đi xuống.

Dù vậy, vẫn có nhiều yếu tố được kỳ vọng sẽ tác động tích cực vào thị trường trong thời gian tới; hoặc nếu không tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thì cũng có thể ngăn chặn được các đợt điều chỉnh giảm mạnh. Đây là hiệu ứng kết quả kinh doanh quý I/2024, tháng 4 lại là mùa cao điểm họp Đại hội đồng cổ đông thường niên - nơi để doanh nghiệp công bố các thông tin về kế hoạch, chiến lược tiếp theo.

Các nhà đầu tư sẽ có hành động sớm vào tháng 4. (Ảnh minh họa)
Các nhà đầu tư sẽ có hành động sớm vào tháng 4. (Ảnh minh họa)

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy trong những thời điểm có nhiều thông tin tốt được công bố cũng là lúc các “đại gia” tận dụng cơ hội để thoát hàng. Ngoài ra, nỗi lo sợ “Sell in May” cũng thúc đẩy một bộ phận nhà đầu tư có hành động sớm vào tháng 4. 

Như những năm vừa qua, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thông thường các nhà đầu tư có xu hướng bán ra để hạn chế tác động bất ngờ từ thị trường quốc tế và các thông tin tiêu cực trong nước có thể xuất hiện trong kỳ nghỉ kéo dài.

Bên cạnh đó, từ các số liệu vĩ mô quý I/2024 được công bố vào cuối tháng vừa qua, cho thấy đầu tháng 4 này sẽ có thêm những tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán. Đáng chú ý là tăng trưởng GDP, bởi nó có thể phản ánh được nền kinh tế có đang phục hồi hiệu quả hay không. 

Mới đây, ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP quý I/2024 có thể tăng 6,1%; Ngân hàng UOB lại đưa ra con số là 5,5%. Sự phân hóa trong quan điểm dự báo của các tổ chức quốc tế cũng đã cho thấy phần nào bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay không thể lường trước. 

Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao về diễn biến thị trường ngoại hối tháng này, thời gian qua, tỷ giá USD/VND đã chịu áp lực không nhỏ. Một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán chính là áp lực mất giá tiền đồng, khi đã tác động tới chiến lược giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tỷ giá USD/VND vẫn phải chịu áp lực gia tăng, khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng.

Nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới lãi suất trong bối cảnh nhà điều hành vẫn đang rút ròng tiền đồng qua kênh tín phiếu và dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng dự báo sẽ nhanh hơn từ đầu quý II. 

Song, việc mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong những ngày gần đây là một điểm sáng. Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố công khai lãi suất cho vay bình quân trước ngày 1/4 và định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đều là các yếu tố hỗ trợ thị trường.

Chiến lược "theo dấu dòng tiền" được đánh giá tích cực

Thêm một yếu tố cần chú ý hơn là tâm lý của các nhà đầu tư đang dần tích cực. Có thể nhận thấy qua việc lượng tiền bên ngoài thị trường chứng khoán đã nhập cuộc mạnh mẽ, ngày càng nhiều hơn các giao dịch khớp lệnh vượt 1 tỷ cổ phiếu, VN-Index “xanh” bất chấp một loạt thông tin tiêu cực. 

Có thể thấy, dòng tiền và sự vận động của dòng tiền đang dẫn dắt thị trường, đây cũng là 2 yếu tố quan trọng nhất tác động lên giá cổ phiếu. Các chuyên gia vẫn đánh giá chiến lược “theo dấu dòng tiền” khá khả quan trong bối cảnh hiện nay.

Tháng vừa qua, nhóm cổ phiếu bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể với tỷ trọng 21,5% sau khi dòng tiền “rút về đáy”. Nhóm ngân hàng là 17,8% và chứng khoán 15,5%. Trong khi các ngành như đầu tư công, sản xuất dầu khí, điện vẫn đang bị dòng tiền lãng quên.

Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup - bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, trong tháng 4, bất động sản và dầu khí tiếp tục là nhóm duy trì được dòng tiền. Tỷ trọng dòng tiền trong 2 nhóm này đã tăng lại trong thời gian gần đây, nhưng thực tế còn cách khá xa đỉnh cũ.

Nhóm có rủi ro dòng tiền rút ra trong nhiều dự báo là nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép. Riêng với ngân hàng, dù dòng tiền vẫn còn ở mức cao nhưng đã có dấu hiệu giảm rõ rệt trong các tháng gần đây.

Nhóm chứng khoán duy trì được tỷ trọng thanh khoản cao trong lịch sử, nên nếu không nhận được các yếu tố mới hay câu chuyện hỗ trợ sâu rộng hơn thì rủi ro dòng tiền rút khỏi nhóm này khá cao. Với nhóm thép cũng đang có dấu hiệu suy giảm.

Đang theo dõi tín hiệu dòng tiền vào là nhóm xây dựng, điện và sản xuất dầu khí. Trong đó, tỷ trọng thanh khoản của nhóm xây dựng đang ở vùng đáy dài hạn, trong khi các câu chuyện liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm nay kỳ vọng tích cực hơn nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và những nỗ lực từ doanh nghiệp.

Nhóm điện cũng ghi nhận tỷ trọng thanh khoản ở mức đáy của 3 năm. Nhóm này được kỳ vọng tăng trưởng từ nhu cầu điện tăng cao vào mùa cao điểm nắng nóng và nhóm điện than có thể hỗ trợ tốt cho thủy điện.

Nhóm điện cũng ghi nhận tỷ trọng thanh khoản ở mức đáy của 3 năm. (Ảnh minh họa)
Nhóm điện cũng ghi nhận tỷ trọng thanh khoản ở mức đáy của 3 năm. (Ảnh minh họa)

Với nhóm sản xuất dầu khí, kỳ vọng vào sự phục hồi về cầu sản xuất, đi lại khi hoạt động sản xuất được dự báo sẽ tích cực hơn vào nửa cuối năm. 

Theo ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Phân tích FIDT, để biết triển vọng ngành trong tháng 4, các nhà đầu tư cần quan tâm tới những nhóm ngành có câu chuyện riêng mạnh.

Có thể kể đến là nhóm dầu khí thượng nguồn với câu chuyện FID dự án Lô B trong tháng 4 này sẽ được ký kết. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhiều cổ phướng hưởng lợi PVS, PVB, PVS.

Tiếp theo là chứng khoán với câu chuyện hệ thống KRX dự kiến được đưa vào vận hành đầu tháng 5 cùng triển vọng nâng hạng sẽ là 2 động lực chính của nhóm này. Song, vẫn có thể sẽ có sự phân hóa.

Nhóm được kỳ vọng tiếp tục hút tiền là bất động sản. Thông thường một nhóm ngành có thể duy trì sức hấp dẫn trong khoảng 3 tháng. Đồng thời, nhóm này còn được hưởng lợi nhờ các luật liên quan đến bất động sản được điều chỉnh thời gian có hiệu lực sớm hơn và thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024