Khó vận chuyển

Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 là 390 USD/tấn.

Không riêng gạo của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu.

Hiện tại gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352-356 USD, giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387-400 USD/tấn trong tuần, từ 380-395 USD/tấn một tuần trước đây nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.

Giá gạo của Việt Nam đang ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ, trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đến hết tháng 7/2021 Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Khách quốc tế có nhu cầu nhập gạo nhưng doanh nghiệp Việt lại không thể giao hàng, khiến gạo khó tiêu thụ, giá giảm. Hiện nay, sản lượng thu mua lúa Hè Thu 2021 sụt giảm 20-30%.

Về tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa diễn ra từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy.

Cụ thể, nông dân không bán được sản phẩm. Nhà máy không mua được hàng. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng. Hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên tàu biển. Công nhân bốc xếp phải thực hiện “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.

Ảnh minh hoạ

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển.

Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành hàng và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.

Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước và việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.

Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản Nguyễn Quốc Toản, xuất khẩu gạo sụt giảm một phần do ảnh hưởng từ việc lưu thông đến thu hoạch và mua bán lúa gạo, nhưng một phần do khách hàng mua gạo ở các quốc gia khác đã giảm sút khá nhiều khiến sản lượng gạo bán ra giảm, trị giá vì thế cũng giảm.

Còn với phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về phương tiện vận chuyển giữa các nơi (từ đồng ruộng về nhà máy sấy/nhà máy xay xát, chế biến…) trên địa bàn các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; phải qua nhiều chốt kiểm dịch và phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều chủ phương tiện từ chối chuyên chở do chi phí phát sinh… Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là đường bộ hiện gặp nhiều khó khăn khi tài xế tại một số địa phương phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày 1 lần…

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bàn giải pháp với các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và chỉ đạo khối ngân hàng thương mại cho thương nhân xuất khẩu gạo vay thêm một phần tín chấp để thu mua dự trữ lúa gạo vụ hè thu; đồng thời, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay lên 9 tháng hoặc 1 năm để thương nhân có đủ thời gian quay vòng vốn hoàn nợ.

MINH CHÂU