Thiên Cấm Sơn: Điểm đến kỳ thú của du lịch An Giang
Núi Cấm có độ cao 710 m so với mực nước biển. Theo truyền thuyết, đây là ngọn núi chứa ẩn nhiều điều huyền bí nhất trong thế giới tâm linh nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ của An Giang. Với nhiệt độ trung bình khoảng 25 độ C, độ ẩm lên tới 80%, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, và quần thể kiến trúc chùa chiền vô cùng độc đáo trên đỉnh núi, hiện nay núi Cấm trở thành địa điểm tham quan, vui chơi, chiêm bái hấp dẫn bậc nhất trong các địa điểm du lịch của tỉnh An Giang.
Khí hậu nơi đây được du khách ưu ái ví như “Đà Lạt miền Tây”. Núi Cấm có nhiều chùa, hang, điện, động, rừng cây che phủ với mật độ cao, cùng với hồ Thủy Liêm, suối Thanh Long làm nên phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nơi này, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang mới đây đã tiến hành khảo sát, nhằm xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù chỉ dành riêng cho núi Cấm. Theo dự kiến các sản phẩm du lịch tại vùng núi này sẽ ra mắt trong thời gian tới bao gồm các tour nổi bật như: khám phá các hang động trên núi, tham quan các vườn trái cây trên núi,….
Đặc biệt, khi đến đây, du khách sẽ không khỏi giật mình khi nhìn thấy pho tượng phật Di Lặc khổng lồ nằm trên quả đồi rộng trên 1.000 m2, có chiều cao lên đến 33,6 m, diện tích bệ 27×27 m2, khuôn viên tượng phật rộng 2,2 ha; tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông, cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét mặt, nụ cười an nhiên, từ bi, hỷ xả và bụng to đặc trưng của tượng phật Di Lặc. Bên cạnh đó, tượng phật Di Lặc tại núi Cấm được công nhận kỷ lục Guinness là “tượng phật cao nhất trên đỉnh núi ở châu Á”, đây là điểm nhấn, tạo nên sự khác biệt so với các khu du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài tượng Phật Di Lặc, nơi đây còn có những ngôi chùa linh thiêng như chùa Vạn Linh với kiến trúc cổ kính đậm nét phương Đông; chùa Phật Lớn,… thu hút khách thập phương đến đây thăm viếng và chiêm bái quanh năm.
Đường lên núi Cấm được trải nhựa thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Tuy nhiên, nếu du khách muốn trải nghiệm ngắm cảnh toàn vùng Thất Sơn xanh thẳm từ trên cao thì có thể chọn cách di chuyển bằng cáp treo lên đỉnh núi. Đối với những du khách thích cảm giác lạ, tìm kiếm sự mới mẻ và muốn chinh phục trong những chuyến đi thì việc khám phá những hang động trên núi Cấm như: hang Bác Vật Lang, hang Ông Hổ, hang Ông Thẻ, điện Cửu Phẩm và Vồ Bồ Hong – nơi cao nhất trên núi Cấm, cũng vô cùng hấp dẫn, đặc biệt du khách có thể “săn mây” vào dịp sáng sớm.
Trong nhiều năm trở lại đây, khách du lịch đến núi Cấm, ngoài việc hành hương, chiêm bái, còn được tham quan các vườn cây ăn trái, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của cư dân trên núi và trải nghiệm bữa cơm với rau rừng do chính tay du khách nấu.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh An Giang, khu du lịch Núi Cấm đã và đang được định hướng trở thành khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng và khu du lịch sinh thái nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn và thú vị khi có dịp đến với An Giang, cũng như đồng bằng sông Cửu Long.
PHÚC HẬU