ISSN-2815-5823
Thứ ba, 01h50 16/04/2019

Thông điệp của Kim Jong-un khi dùng chức danh “đại diện của nhân dân”

(KDPT) – Chức danh “người đại diện của nhân dân Triều Tiên” mang đến một cảm giác gần gũi hơn cho lãnh đạo Kim Jong-un.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 12/4 gọi lãnh đạo Kim Jong-un là “người đại diện tối cao của nhân dân Triều Tiên”. Trước đó, trong một phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên khóa 14, chức danh trên cũng được sử dụng khi đề cập tới Kim Jong-un.

Trong phiên họp, lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính quyền Kim Jong-un còn có hai thay đổi quan trọng ở vị trí thủ tướng và chủ tịch hội đồng nhân dân tối cao. Hai cái tên mới lần lượt đảm nhận các vị trí này là Kim Jae-ryong và Choe Ryong-hae.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

TIN LIÊN QUAN
>>> Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam
>>> Triều Tiên lần đầu thừa nhận thượng đỉnh Trump – Kim không có kết quả

Chức danh “người đại diện tối cao của nhân dân Triều Tiên” đã được phê chuẩn từ hồi tháng hai nhưng đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước dùng nó để nhắc về lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo nhà phân tích Minyoung Lee, việc sử dụng chức danh ‘đại diện tối cao của tất cả nhân dân Triều Tiên’ bên cạnh chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ đối với lãnh đạo Kim Jong-un tại một kỳ họp quan trọng có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chuẩn bị bổ sung khái niệm tương tự vào hiến pháp.

Lee đánh giá đây dường như là sự học hỏi từ hiến pháp Triều Tiên năm 1972, dưới thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, khi lần đầu tiên điều lệ hóa chức danh “chủ tịch Triều Tiên” cũng như quyền lực của chủ tịch. Điều 89 hiến pháp năm 1972 quy định: “Chủ tịch Triều Tiên là người đứng đầu nhà nước và đại diện cho chủ quyền quốc gia”.

Giới phân tích đánh giá chức danh mới dường như là một bước đệm giúp tập trung quyền lực nhiều hơn vào tay nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trong trường hợp Triều Tiên sửa đổi hiến pháp.

“Nếu Bình Nhưỡng thực sự sửa đổi hiến pháp, điều đó chỉ có nghĩa là Kim Jong-un giờ đây có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết”, nhà phân tích Ahn Chan-il, chủ tịch Viện nghiên cứu Toàn cầu về Triều Tiên, trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định.

Không giống cha, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, Kim Jong-un ngày nay sẵn sàng và năng nổ hơn trong việc thực hiện các chuyến công du nước ngoài, gặp mặt các lãnh đạo thế giới, thực hiện vai trò của một nguyên thủ quốc gia hiện đại.

Jeong Young-tae, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận xét chức danh mới là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm làm mềm mại hơn hình ảnh Kim Jong-un cũng như Triều Tiên.

“Kim Jong-un muốn tái định hình Triều Tiên là một quốc gia ‘bình thường’ trên trường quốc tế”, Jeong nói. “Chức danh ‘người đại diện’ là một bước đột phá so với những chức danh trước đây vốn đề cao lãnh đạo Triều Tiên như người đứng đầu một giáo phái hay tôn giáo”.

Theo VNE



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/01/2025