ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 03h57 22/12/2018

Thu phí khí thải: Lo ngại cho “sức khỏe” của doanh nghiệp

(KDPT) – Mới đây Bộ Tài chính đang đề xuất các Bộ, ngành nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường với khí thải. Tuy Bộ này nhấn mạnh đây mới chỉ đang là đề xuất, và đề xuất này được bắt nguồn từ kiến nghị của các cử tri Lào Cai và UBND Thành phố Hà Nội, nhưng người dân và các doanh nghiệp đang tỏ ra băn khoăn, bởi trên thực tế họ đã phải “gánh” rất nhiều loại thuế, phí. Việc thêm một loại phí sẽ thêm một gánh nặng không nhỏ đối với đại đa số người dân cũng như các doanh nghiệp trong bối cảnh đã có nhiều loại thuế, phí như hiện nay.

Thu phí để hạn chế phương tiện

Theo trang VnEconomy.vn, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí…

Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Hiện vẫn chưa xác định cụ thể đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc thu phí khí thải được chia theo các nguồn thải lưu động như ôtô, xe máy và các nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ…

Đặc biệt, với các phương tiện giao thông phổ biến hiện nay như ôtô, xe máy đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường thông qua xăng rất cao, hiện là 3.000 đồng/lít xăng, 1.500 đồng/lít diesel, 300 đồng/kg dầu hoả và 900 đồng/lít với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Từ 1/1/2019 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng lên 4.000 đồng/lít với xăng, 2.000 đồng/lít diesel, mazut, mỡ nhờn, dầu nhờn và 1.000 đồng/kg dầu hoả.

Theo lí giải của Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính thì việc thu phí khí thải do số lượng các phương tiện tăng cao, gây ô nhiễm môi trường ở mức báo động, nhất là ở Thành phố Hà Nội. Việc thu phí này cũng là nhằm để “hạn chế các phương tiện cơ giới đi vào thành phố”.

Về vấn đề này, theo trang Soha.vn, GS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện chúng ta có rất nhiều loại phí đối với môi trường rồi.

Trong đó, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu thu thêm phí khí thải nữa thì sẽ “phí chồng phí”.

Cũng theo ông Long, từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần trong khi thu nhập của người dân chưa cao nhưng lại phải gánh nhiều loại thuế, phí thì rất khó.

Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông.

Lượng phương tiện nhiều, gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn là một trong những lí giải của Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính khi đề xuất thu phí khí thải. Ảnh Internet.

Đừng “vắt kiệt” sức dân

Ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) chia sẻ vấn đề này trên Tuổi trẻ, ông cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng vào khu vực trung tâm đúng với bất cứ đô thị hiện đại nào trên thế giới. Chủ trương áp dụng biện pháp kinh tế – thu phí phương tiện vào trung tâm là đúng, cần phải làm sớm và có biện pháp cứng rắn.

Tuy nhiên, việc thu phí vào khu vực trung tâm các đô thị, trong đó có Hà Nội, cần gắn với một thiết chế đô thị thông minh, lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động và thu phí tự động. Nhưng chính sách này cũng cần bảo đảm quyền đi lại của người dân, vì kinh tế càng phát triển thì nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều. Việc áp phí khí thải cũng cần phải đi đôi với việc phát triển giao thông công cộng để bảo đảm quyền đi lại cơ bản của người dân.

Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM) cũng cho rằng doanh nghiệp vận tải đang trong tình trạng vô vàn khó khăn do phải chịu quá nhiều chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, phí BOT, phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu…

“Sức khỏe”, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng yếu. Nay có quy định thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải chắc doanh nghiệp càng thêm khó khăn chồng chất. Trước khi ban hành loại phí gì cũng cần phải minh bạch vấn đề thu làm gì, mục đích như thế nào và thu ở những đối tượng nào.

Đồng quan điểm với ông Chánh, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Bình Minh, TP.HCM ông Võ Quốc Bình cũng cho rằng không thể để phí chồng phí. Việc sử dụng xăng dầu làm phát sinh khí thải đã thu phí bảo vệ môi trường, bây giờ lại thu phí khí thải nữa để làm gì? Đừng nghĩ ra tên gọi khác để tìm cách thu phí trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nếu tính thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải, phải bỏ phí bảo vệ môi trường ở xăng dầu để tránh phí chồng phí.

Duy Khánh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024