ISSN-2815-5823
SƠN HÀ
Chủ nhật, 19h03 29/10/2023

Thủ tướng: Việt Nam đã làm được những điều tưởng như không thể

(KDPT) - Theo Thủ tướng, điều quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19 là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Việt Nam đã làm được những điều tưởng như không thể

Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã vượt qua đại dịch COVID-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, dù trong quá trình phòng chống dịch có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Thủ tướng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch. Theo Thủ tướng, chúng ta đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình, khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như hậu quả của việc nhiễm bệnh.

Việc phòng chống dịch ở thời điểm đó là "vô cùng khó khăn", "khó khăn tứ bề" khi "trong tay không có gì khác", không có vaccine, không có test kit… ngoài hệ thống y tế được thiết lập trong điều kiện bình thường, hệ thống này có thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện bình thường nhưng không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.

Một số mốc thời gian quan trọng

- Tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên (tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc). Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

- Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.

- Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch.

- Ngày 31/3/2020, đối mặt với đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ, trong khi thông tin hạn chế, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

- Ngày 27/4/2021, sau hơn 1 năm chống dịch, chúng ta đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. "Đó là những ngày tháng không thể ngủ được", Thủ tướng chia sẻ.

- Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi lần thứ hai, gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

- Tháng 7/2021, chúng ta bắt đầu đưa ra công thức chống dịch. Lúc đầu, công thức chỉ gồm có 5K+vaccine", song đây vẫn là việc rất có ý nghĩa, đánh dấu việc chuyển hướng từ chống dịch bằng biện pháp hành chính sang chuyển hướng bằng biện pháp hành chính kết hợp với biện pháp khoa học là vaccine. Sau đó, công thức chống dịch lần lượt được bổ sung các thành tố, trở thành "5K + vaccine + điều trị + xét nghiệm + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác". Đây là công thức chống dịch tương đối hoàn chỉnh.

Phân tích thêm về từng thành tố được bổ sung, Thủ tướng cho biết với gần 100 triệu dân, việc áp dụng công nghệ là cần thiết. Đồng thời, nếu không có ý thức người dân thì công việc triển khai rất khó khăn. Mặt khác, cần "các biện pháp khác" để phát huy sự sáng tạo của người dân, các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở.

Chúng ta cũng đưa ra chiến lược vaccine với 3 thành tố quan trọng: Thứ nhất là lập Quỹ Vaccine để huy động nguồn lực tài chính; thứ hai là tiến hành ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine trong bối cảnh "có tiền cũng không mua được" do tiếp cận vaccine không bình đẳng; thứ ba là triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.

Về ngoại giao vaccine, tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đều tham gia vận động vaccine bằng mọi cách (nhận viện trợ, vay, mượn, mua lại...). Kết quả, khoảng 1 nửa trong tổng số hàng trăm triệu liều vaccine mà Việt Nam có được là từ nguồn viện trợ.

Cũng theo Thủ tướng, một khó khăn khác là cơ chế, chính sách. Để tháo gỡ, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.

- Ngày 11/10/2021, với tỉ lệ bao phủ vaccine khá cao, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, xác định công thức phòng, chống dịch phù hợp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

- Ngày 20/10/2023, COVID-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam.

Tại hội nghị, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết quân đội đã huy động 192.000 cán bộ chiến sĩ tham gia chống dịch. Trong đó, 23.000 người tham gia kiểm soát dịch bệnh; 6.500 người tham gia tiêm chủng cho người dân; 116.500 người làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh; 46.000 người làm tuần tra biên giới, đảm bảo an sinh xã hội, mai táng, vận chuyển tử thi, vận chuyển hàng hóa.

Bộ Quốc phòng tăng cường 16.500 quân y, 200 máy móc phục vụ các địa phương thời điểm dịch bùng phát. Lúc cao điểm nhất, toàn quân huy động 230.000 bộ đội, dân quân tự vệ tham gia chống dịch, kiểm soát biên giới, bảo vệ khu cách ly, chuyển túi an sinh, vận chuyển lương thực, thu hoạch hoa màu giúp dân...

Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến cũng cho hay lực lượng công an đã huy động 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch; lập hơn 10.000 chốt cách ly và bệnh viện dã chiến; 560.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia truy vết, khoanh vùng. 11 công an tử vong do Covid-19, trong đó 6 người hi sinh khi chống dịch.

Trong thời gian chống Covid-19, 550 người đăng thông tin sai sự thật đã bị phạt hành chính; hơn 3.200 người nhập cảnh vi phạm bị xử lý hành chính. Hơn 400 người lợi dụng dịch bệnh đầu cơ, nâng khống giá bán mặt hàng thiết yếu bị xử lý. Bộ Công an đã tập trung điều tra, xử lý hành vi lợi dụng chống dịch để tham nhũng, như vụ Việt Á.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, báo chí đã đồng hành với cả nước chống dịch. Nhiều tin bài chất lượng, có giá trị vượt thời gian đã được xuất bản, là "liều thuốc an sinh tinh thần" với người dân.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP

Kinh phí huy động phòng chống dịch còn dư hơn 900 tỷ đồng

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết trong thời gian chống dịch, ở trung ương huy động 2.900 tỷ đồng, địa phương 15.000 tỷ đồng. Phần lớn số tiền ở trung ương được chuyển về Quỹ vaccine do Bộ Tài chính quản lý; còn lại chuyển địa phương hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu. Việc kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng "công khai, minh bạch, không thất thoát, lãng phí".

Sau khi đại dịch được kiểm soát, cơ quan kiểm tra Đảng và kiểm toán Nhà nước đã làm việc và một số nơi xảy ra sai sót đều do xuất phát từ khó khăn khi chống dịch. Vì vậy, bà Hà đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương không phải thu hồi các khoản đã chi từ nguồn vận động để nộp về quỹ vaccine.

Với kinh phí còn dư ở trung ương 118 tỷ đồng, địa phương 800 tỷ đồng, bà đề nghị Thủ tướng nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ về trung ương sử dụng cho các đợt sau hoặc thiên tai, sự cố.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024