ISSN-2815-5823

Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế chất thải

(KDPT) - Thời gian tới, theo các chuyên gia, cần nỗ lực tìm ra những giải pháp hiệu quả trong xử lý chất thải, cung cấp giải pháp tái chế xanh để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Nâng cao hoạt động thu gom, tái chế chất thải

Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường tại diễn đàn "Cơ Hội Đầu Tư Tái Chế Tại Việt Nam" cho biết: “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải”.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường

Được biết, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA) do Bộ Nội vụ cấp phép thành lập vào tháng 3 năm 2021 và hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hướng tới mục tiêu trở thành tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực tái chế tại Việt Nam. VWRA tập hợp các chuyên gia môi trường và doanh nghiệp tái chế bao gồm các ngành như nhựa, giấy, kim loại, điện tử và chất thải hữu cơ. Hiệp hội cũng hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng xanh, công nghệ môi trường, vận chuyển và xử lý chất thải, cùng với việc cung cấp giải pháp tái chế và chứng nhận sản phẩm xanh.

Đánh dấu cột mốc 3 năm thành lập, ngoài các hoạt động tổng kết, chương trình Kỷ niệm 3 năm thành lập Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam hướng đến thiết lập không gian thúc đẩy giao thương, kết nối, trao đổi kinh nghiệm cũng như thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm trở thành cầu nối kiến tạo cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, nhất là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế cũng như chính sách EPR đã đi vào thực hiện.

Vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tái chế

Ông Phan Tuấn Hùng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong khi các loại rác thải giá trị cao như chai nhựa, giấy bìa các tông, sắt thép đã có thị trường tái chế ổn định, các loại rác thải giá trị thấp lại ít được doanh nghiệp quan tâm do chi phí tái chế cao, giá trị thu hồi thấp, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công nghệ mới. Các doanh nghiệp thậm chí phải bù lỗ để tái chế những loại rác này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do đó, ông Hùng cho hay cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ hỗ trợ đặc biệt cho các nhà tái chế chịu đầu tư vào công nghệ, phát triển các giải pháp tái chế cho loại rác thải giá trị thấp.

"Trong cơ chế EPR, chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế bằng các ưu đãi tài chính. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong việc xử lý và chôn lấp rác thải", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng cho biết các nhà sản xuất sẽ phải đóng góp vào quỹ EPR nhiều hơn, nếu họ sử dụng bao bì khó tái chế.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế Việt Nam, ông Trần Thanh Nam, trưởng phòng tín dụng của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, cho hay quỹ sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất ưu đãi, tài trợ và hỗ trợ lãi suất cho các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch, tái chế… với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay là 2,6%. 

Thời gian vay tối đa 10 năm, với mức vay tối đa 80% tổng mức đầu tư. Mức vay tối đa là 36,6 tỷ đồng cho mỗi dự án và không quá 73,2 tỷ đồng cho mỗi chủ đầu tư.

Theo ông Nam, với các khoản vay này, các doanh nghiệp có các dự án bảo vệ môi trường sẽ có những trợ lực tốt hơn về vốn để xây dựng, phát triển các dự án trong thời gian tới.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.

Các hoạt động của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành tái chế tại Việt Nam. Thông qua những chương trình như thế này, chúng ta có thể tin tưởng rằng tương lai, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ, ông Việt Anh nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024