ISSN-2815-5823

Thực trạng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội

(KDPT) – Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội tồn tại như một vấn nạn xã hội, gây nhức nhối trong dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền, thậm chí cả Chính phủ và các bộ, ngành.

Mặc dù chính quyền thành phố Hà Nội nhiều lần ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này, thậm chí, gắn rõ trách nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, nhưng kết quả đạt được vẫn không chạm đến mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm tại nhà ở riêng lẻ của các hộ dân cũng diễn ra tràn lan và đây là đối tượng gây nhiều khó khăn cho cả cấp chính quyền lẫn lực lượng chức năng khi xử lý hành vi vi phạm, xảy ra nhiều khiếu kiện, chống đối.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên địa bàn Hà Nội? Dư luận rất cần các cấp chính quyền thành phố, các sở ngành chức năng xác định đúng nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, tập thể liên quan. Trên cơ sở đó, Hà Nội phải đưa ra được lộ trình, biện pháp khắc phục cụ thể, kiên quyết hơn nữa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đô thị thời gian tới.

Tòa soạn Kinh doanh & Phát triển tiếp tục triển khai Chuyên đề “Thực trạng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua đó, từ những sự việc điển hình, sẽ cung cấp cho độc giả góc nhìn tổng thể về những vi phạm trong trật tự xây dựng, việc xử lý cũng như giải pháp để dần tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc.

Công trình “khủng” vi phạm TTXD, chính quyền ở đâu?

Nhiều người dân sinh sống tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội đã phản ánh tới tòa soạn, trên địa bàn phường tồn tại công trình xây dựng khủng, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng (TTXD) nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, không bị xử lý.

Cụ thể, công trình xây dựng tại phường Trúc Bạch chủ đầu tư không tuân thủ theo đúng giấy phép khi xây vượt tầng, vượt mật độ, vượt chiều cao. Trong quá trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến những người dân sống xung quanh.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV đã tìm đến nơi được phản ánh để ghi nhận thực tế.

Ghi nhận tại khu vực phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), chỉ trong khu vực bán đảo cách nhau vài chục mét là hàng loạt công trình xây dựng tại các số nhà 19, 25, 27 Nguyễn Khắc Hiếu; số nhà 25 Ngũ Xã; 52 Ngũ Xã. Các công trình này đều có điểm chung là thêm chiều cao tầng lửng (được cấp phép) để biến thành tầng. Không những vậy, từ tầng 2 trở lên, hầu như đều xây đua ra ít nhất 1 mét. Những khối diện tích này được chủ đầu tư xây quây thành những phòng riêng biệt.

Công trình 25, 27 Nguyễn Khắc Hiếu có giấy phép xây dựng số 282, trong đó nêu rõ: Phạm vi xây dựng nằm trong ranh giới thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chiều cao công trình được quy định: Lớp trước 19, 25m từ cốt hè phố đến sàn mái tầng 5; lớp sau khoảng lùi 3m so với mặt nhà lớp trước. Tương tự, các công trình 19 Nguyễn Khắc Hiếu, 25 Ngũ Xã, 52 Ngũ Xã trong giấy phép xây dựng đều có yêu cầu khoảng lùi từ 3m trở lên. Thực tế, tất cả các công trình đều đua ra lấn chiếm khoảng không trước khi trả lại đúng phạm vi xây dựng và được coi là “khoảng lùi”.

Chỉ cần đứng quan sát từ xa cũng có thể thấy được sự khác biệt rõ rệt của những công trình này với các công trình xung quanh. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có quây tôn và để vật liệu xây dựng tràn ra vỉa hè, chiếm gần hết đường của người đi bộ, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Công trình sai phạm trên phố Nguyễn Khắc Hiếu, phường Trúc Bạch

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội có quy định quản lý chiều cao tối đa, mật độ xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc các ô phố. Theo đó, các công trình xây dựng tại phố Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Ngũ Xá, Phạm Hồng Thái có chiều cao tối đa với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 5-7 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3- 6m.

Một người dân sinh sống gần công trình cho biết: “Cả một khu phố được quy hoạch chuẩn từ trước tới nay, người dân chúng tôi ai nấy cũng tự hào vậy mà tự nhiên xuất hiện những “khối u” làm mất cảnh quan đô thị. Trong quá trình thi công, xây dựng còn lấn chiếm lối đi của người dân khi để vật liệu xây dựng chình ình ngay phần vỉa hè”.

Câu hỏi người dân đặt ra là, để xây dựng công trình kiên cố, đồ sộ nêu trên cần một khoảng thời gian dài và thi công rầm rộ, vậy không biết chính quyền địa phương có nắm bắt được không? Nếu nắm bắt được thì đã xử lý chưa? Nếu xử lý rồi vậy tại sao đến nay sai phạm vẫn ung dung tồn tại? Trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan ở đâu? Có hay không chính quyền địa phương bật đèn xanh, tạo điều kiện cho sai phạm tồn tại?

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội, quận Ba Đình và các Sở, ngành liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh, có biện pháp xử lý dứt điểm sai phạm. Đồng thời, cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để sai phạm ngang nhiên tiếp diễn, kéo dài, phá vỡ quy hoạch chung…

TRƯỜNG QUỐC



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024