ISSN-2815-5823
T.S. Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương
Thứ sáu, 09h03 31/05/2024

Bài 2: Thực trạng và một số giải pháp phát triển kinh tế tập thể ở nước ta

(KDPT) - Kinh tế tập thể là sự bổ sung quan trọng cho kinh tế thị trường, đặc biệt là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

LTS

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta kể từ khi giành được độc lập đến nay. Tuy nhiên, những thế lực thù địch luôn xuyên tạc chủ trương này, cho rằng kinh tế tập thể là tàn dư của “thời kỳ bao cấp sai lầm”,  và là “nỗi ám ảnh của người dân Việt”, hay như chuyên gia Bùi Kiến Thành nói “Hợp tác xã không phải là mô hình của một nền kinh tế tân tiến”. Những luận điệu hồ đồ này đều nhằm mục đích phủ nhận con đường phát triển nhân văn của Đảng ta, phát triển thực sự vì con người, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Loạt bài viết này nhằm cung cấp những luận cứ khách quan về sự phát triển kinh tế tập thể trên thế giới để khẳng định rằng kinh tế tập thể là một thành phần không thể thiếu của kinh tế thị trường, là công cụ để giúp những người yếu thế trong nền kinh tế thị trường có thể cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn hùng mạnh, qua đó hạn chế bất công, bất bình đẳng trong hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường. Phát triển kinh tế tập thể góp phần thực hiện chủ trương của Đảng “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.” 

Kinh doanh và Phát triển gửi tới quý bạn đọc loạt bài viết "Kinh tế tập thể là thành phần không thể tách rời của kinh tế thị trường".

(Bài 2) Thực trạng và một số giải pháp phát triển kinh tế tập thể ở nước ta

Thành viên Hợp tác xã Yến Dương, xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) thu hoạch lúa Nếp Tài.
Thành viên Hợp tác xã Yến Dương, xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) thu hoạch lúa Nếp Tài.

Vai trò của Kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường chính là công cụ để khắc phục các thất bại của thị trường. Bản chất của kinh tế tập thể đó là hợp tác để cùng cạnh tranh. Mô hình hợp tác xã (HTX) là mô hình để giúp các cá nhân nhỏ lẻ, yếu thế hợp tác lại với nhau để cùng tạo sức mạnh cạnh tranh trong kinh tế thị trường và cùng nhau phát triển. Chúng ta có thể nhìn thấy hàng loạt các mô hình HTX đang hoạt động rất thành công trên thế giới như: liên minh tín dụng (các thành viên góp vốn và cho vay lẫn nhau); HTX tiêu dùng (những người mua hàng nhỏ lẻ liên kết với nhau để mua giá sỉ về bán cho các thành viên); HTX những người sản xuất (các nhà sản xuất nhỏ lẻ liên kết với nhau tạo ra chuỗi giá trị để cung cấp cho người sản xuất cuối cùng); HTX marketing (các nhà sản xuất một loại mặt hàng cùng liên kết với nhau để mua đầu vào giá sỉ và cùng thực hiện các hoạt động marketing để xúc tiến sản phẩm),…

Tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển như Hà Lan có tới hơn 2500 HTX và đóng góp đến 18% GDP? Tại Mỹ có khoảng 29000 HTX đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực và tạo ra hơn 2 triệu việc làm mỗi năm. Đây là bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy KTTT không hề mâu thuẫn với kinh tế thị trường, mà ngược lại còn bổ sung rất tốt cho kinh tế thị trường và hoạt động rất tốt trong môi trường kinh tế thị trường. Trong 300 HTX lớn nhất thế giới có doanh thu năm 2020 lên đến 2171 tỷ USD thì có đến 250/300 là những HTX thuộc các nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật,…

Các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) có thể là thành viên của một HTX và sử dụng các dịch vụ của HTX như một công cụ để nâng khả năng cạnh tranh. Ngược lại bản thân các HTX cũng có thể thành lập các doanh nghiệp để kinh doanh và nâng cao sức mạnh cho HTX (ví dụ một HTX hoặc liên hiệp HTX có thể thành lập một công ty kiểm toán, hoặc một ngân hàng để hỗ trợ thành viên…). Các HTX cũng có thể ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác.

Ngoài mục tiêu bảo vệ người yếu thế trong cạnh tranh thông qua công cụ đàm phán tập thể thì HTX nói riêng và KTTT nói chung còn có vai trò quan trọng khác để giúp người yếu thế trong phát triển kinh tế xã hội:

  • Thúc đẩy giáo dục đào tạo: các HTX là nguồn đào tạo liên tục cho các thành viên. Ví dụ một hợp tác xã tín dụng sẽ dạy các kiến thức tài chính cho các thành viên để họ sử dụng đồng tiền một cách hợp lý. Một HTX tiêu dùng cũng sẽ dạy cho các thành viên nên mua các loại hàng hóa nào là tối ưu nhất và về giá trị thực chất của hàng hóa; một tổ chức kinh tế tập thể về marketing sẽ dạy cho các nhà sản xuất (là thành viên của tổ chức) những phương thức tổ chức sản xuất tối ưu nhất…
  • Trường học về cuộc sống dân chủ: mọi quá trình ra quyết định, các quy trình lựa chọn cán bộ, các cuộc họp trong kinh tế tập thể đều theo nguyên tắc dân chủ. Mỗi người một phiếu và quyết theo đa số.
  • Kinh tế tập thể là trung tâm hài hòa xã hội: Kinh tế tập thể có xu hướng giảm các căng thẳng trong đời sống hiện đại và giúp mọi người tìm thấy những nền tảng chung mà họ có thể cùng làm việc với nhau; giúp hạn chế tối đa sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường “cá lớn nuốt cá bé”. Thêm vào đó các HTX hoặc các tổ chức kinh tế tập thể thường được thành lập dựa trên một cộng đồng xã hội, cùng chia sẻ các giá trị xã hội chung nên sự phát triển kinh tế tập thể giúp củng cố sự gắn kết xã hội.
  • Thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế: các HTX trên thế giới đều chia sẻ chung một niềm tin về nguyên tắc công bằng và nhân văn do đó rất dễ hiểu nhau và dễ dàng hợp tác với nhau.
  • Hỗ trợ phát triển văn hóa và đời sống tinh thần cho người nghèo: rất nhiều người yếu thế trong nền kinh tế thị trường khi sinh ra đã không biết gì ngoài nghèo đói và bất an. Sự phát triển của kinh tế tập thể (ví dụ ngân hàng Gramin Bank tại Bangladesh của những người phụ nữ nghèo) đã giúp loại bỏ các rào cản tự nhiên đối với con đường mưu cầu hạnh phúc của họ.

Thực trạng phát triển kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay

Ước thực hiện năm 2021, cả nước có khoảng 27.855 HTX, trong đó có 18.106 HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và 9.749 HTX phi nông nghiệp. Về cơ bản các HTX dần hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hoạt động hướng về thành viên, mang lại lợi ích cho thành viên, thành viên gắn bó với hợp tác xã hơn.

Tỷ trọng HTX theo ngành, lĩnh vực (ước thực hiện năm 2021). Nguồn: Văn phòng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể
Tỷ trọng HTX theo ngành, lĩnh vực (ước thực hiện năm 2021). Nguồn: Văn phòng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể

Các HTX phát triển đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, đã phát triển được một số HTX trên một số ngành, nghề, lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, môi trường, khoa học, công nghệ. HTX là một chủ thể quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến.

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, hội quần chúng trong phát triển KTTT, HTX còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chăm sóc chanh dây. Nguồn: baogialai.com.vn
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chăm sóc chanh dây. Nguồn: baogialai.com.vn

Một số giải pháp cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể ở nước ta

Thứ nhất, cách thức tổ chức và hoạt động của kinh tế tập thể khác với cách thức tổ chức các doanh nghiệp, do đó điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế tập thể đó là phổ biến nhận thức về kinh tế tập thể và vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường. Nếu không minh định rõ ràng được kinh tế tập thể là gì và sứ mệnh khác biệt của kinh tế tập thể so với các hình thức tổ chức kinh doanh khác thì sẽ rất khó phát triển kinh tế tập thể. Đặc biệt tại các nước đang chuyển đổi như Việt Nam thì ký ức về thất bại của kinh tế tập thể trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp vẫn chưa phai nhạt, ấn tượng về kinh tế tập thể, về HTX là xấu nên sức hấp dẫn của kinh tế tập thể không lớn. Sự phát triển hiện nay của các HTX vẫn chủ yếu đang theo hướng tìm kiếm lợi nhuận. Các báo cáo về phát triển HTX cũng nhấn mạnh yếu tố lợi nhuận của HTX. Điều này vô hình chung tạo ra sự nhận thức sai lầm về kinh tế tập thể và HTX như một hình thức tổ chức khác của doanh nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận. Cổ vũ phát triển HTX theo hướng tìm kiếm lợi nhuận sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc phân chia lợi ích không theo vốn góp, và do đó nhiều người dân cảm thấy lúng túng khi tham gia HTX: tại sao tôi góp nhiều mà cũng được chia lợi nhuận như khi tôi góp ít? Kết quả là nhiều người không mặn mà tham gia kinh tế tập thể.

Do đó trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò của hợp tác xã trong điều kiện mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân; xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu.

Thứ hai, Kinh tế tập thể phát triển dựa trên lòng tin lẫn nhau giữa các thành viên. Để duy trì lòng tin thì cần thiết phải có hệ thống pháp lý đầy đủ và đồng bộ để các xung đột lợi ích, các hành động trục lợi dựa vào lòng tin đều được xử lý. Đặc biệt trong kinh tế tập thể luôn có một dạng tài sản chung, sở hữu tập thể và không chia. Hệ thống pháp luật phải đảm bảo quyền lợi chung và riêng của từng thành viên thì mới khuyến khích mọi người cùng tham gia. Đồng thời để kinh tế tập thể phát triển thì việc gia nhập và từ bỏ phải rõ ràng minh bạch. Mọi người đều có thể dễ dàng tham gia một tổ chức kinh tế tập thể nào đó mà không có những rào cản pháp lý nào. Đồng thời bất cứ ai khi tham gia đều biết được rằng họ có thể dễ dàng rút ra khỏi tổ chức kinh tế tập thể khi việc tham gia không còn đáp ứng được mục đích của họ. Để hiện thực hóa điều này trong thời gian tới cần thực hiện: (i) - Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã năm 2012 trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật; (ii) Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các Luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Thuế…), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững; (iii) Bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX phù hợp bản chất, tránh bao cấp; cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; (iv) Xây dựng cơ chế hỗ trợ cấp vốn bổ sung cho Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã địa phương để tạo điều kiện cho hợp tác xã đa dạng hóa nguồn vay; (v) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các hợp tác xã có đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công; (vi) Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI; XII, XIII;
(2) Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
(3) Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị;
(4) Ủy ban Kinh tế Quốc Hội (2012), Sự phát triển của hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã đối với an sinh xã hội, Báo cáo nghiên cứu RS – 04. Báo cáo phối hợp nghiên cứu với UNDP.
(5) Nguyễn An Ninh, (2020) Về mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở israel và những gợi ý với việt nam, Kỷ yếu hội thảo về phát triển kinh tế tập thể do Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tổ chức.
(6) Võ Kim Sa và Gaby Breton (2020) Hợp tác xã liên kết để gia tăng năng lực cạnh tranh thích ứng hội nhập và biến đổi khí hậu, Tham luận tham gia Hội thảo về phát triển kinh tế tập thể
(7) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo Chiến lược Phát triển Kinh tế tập thể và HTX giai đoạn 2021- 2030  
(8) UNDP 2014, Measuring the Size and Scope of the Cooperative Economy Microsoft Word - Grace - Global Coop Census.doc (un.org)
(9) Liên đoàn HTX Hà Lan (Agriterra) (2020), Kinh nghiệp phát triển Hợp tác xã tại Hà Lan. Tham luận hội thảo Phát triển kinh tế tập thể
(10) Helmut Pabst, 2020, “Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn vay cho các hợp tác xã của việt nam, kinh nghiệm từ CHLB Đức”, Tham luận hội thảo Phát triển kinh tế tập thể
(11) Curtis H., Jessica G. Nembhard (1999), Cooperative Economics – A Community Revitalization Strategy, Review of Black Political Economy Volume 27, Issue 1, pp.47-71
(12) Oriento Steven (2014), Nghiên cứu các trường hợp về HTX ở các nước phát triển và đang phát triển: có điểm gì đặc thù trong bối cảnh của mỗi nước cụ thể, trường hợp Kenya và Mondragon, Tây Ban Nha. UNDP. 

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024