ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 08h26 30/11/2018

Tiết kiệm là quốc sách (Bài 1)

(KDPT) – Thời nào cũng thế, tiết kiệm luôn được coi là “quốc sách” của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, để xây dựng đất nước giàu mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại nói về tiết kiệm và là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm.

Ngay sau khi lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, trước nguy cơ “giặc đói giặc dốt, giặc ngoại xâm” đe dọa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó Người đặc biệt đề cao việc phát động phong trào tăng gia tiết kiệm để chống đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo, tiền để giúp đỡ người nghèo, xây dựng đất nước. Rồi “hũ gạo cứu đói”, “Tuần lễ vàng” được thực hiện theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Chỉ trong 1 tuần, nhân dân cả nước đã góp được 370 cân vàng, 20 triệu đồng cho Quỹ độc lập, 40 triệu đồng cho Quỹ đảm phụ quốc phòng.

Những hũ gạo cứu đói (Ảnh: Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế).

Bác Hồ đã nhiều lần giải thích rõ về tiết kiệm để mọi người hiểu cho đúng, để thực hiện cho tốt: “Tiết kiệm là thế nào? Là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi… Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không nên tiêu thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc có ích cho đồng bào, cho tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu mới là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa xỉ… Vì vậy, xa xỉ có tội với tổ quốc, với đồng bào”.

Bác Hồ cũng đã chỉ ra 4 nội dung cơ bản của tiết kiệm.

Thứ nhất là tiết kiệm sức lao động, tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, một người làm bằng 2, 3 người;

Thứ hai là tiết kiệm thời gian, vì theo Bác “ Thời gian là vàng bạc”;

Thứ ba là tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình;

Thứ tư là tất cả mọi người đều cùng tiết kiệm. Bác cho rằng, tiết kiệm chính là nguồn gốc để tạo nên sức mạnh bền vững của đất nước, của mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp.

Tiết kiệm đã trở thành nếp sống của Bác Hồ. Khi còn hoạt động ở nước ngoài, hay ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc cũng như về thủ đô Hà Nội, Bác luôn giữ một lối sống rất cần kiệm và giản dị, không đòi hỏi một ưu tiên, một vinh hoa cho riêng mình. Bản thân Bác Hồ đã trở thành tấm gương sáng trong việc tiết kiệm và thực hành tiết kiệm.

Làm theo lời Bác dạy, trong những năm qua, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào năm 2005; Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các quy định của Pháp luật về lĩnh vực này để Luật này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nước ta sau hơn 30 năm đổi mới đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đời sống nhân dân, nhưng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại chưa tương xứng với những thành tựu kinh tế đạt được. Hiện nay, ở đâu cũng còn thấy sự lãng phí. Lãng phí nằm ở những dự án quy hoạch “treo” một cách tràn lan, những thất thoát lớn và không đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Lãng phí là sự thất nghiệp của 225.000 cử nhân, thạc sĩ ( thời điểm Quí I/2016), là sự thua lỗ kéo dài của nhiều nhà máy quy mô ngàn tỉ, của các tập đoàn Nhà nước, là đội ngũ công chức, viên chức đông mà không mạnh. Lãng phí do kỷ luật lao động lỏng lẻo, là tình trạng hội họp, lễ lạt, tiếp khách triền miên; là lối sống hưởng thụ vật chất… Tất cả hiện tượng đó đang đè nặng nguồn tài chính của đất nước, của doanh nghiệp và mọi người dân. Nếu thực hành tiết kiệm, khắc phục những sự lãng phí lớn đó, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, doanh người và mỗi người dân sẽ giàu có hơn.

Những dự án đội vốn, không đúng hẹn sẽ làm lãng phí tiền tài, công sức của xã hội. Trong ảnh là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1) đang có nguy cơ dừng thi công.

Hiện nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ mà khoa học công nghệ sẽ mang đến những biến đổi “không thể lường hết được” và đem lại kết quả thật bất ngờ, vấn đề tiết kiệm vẫn phải được đặt ra và phải nghiêm túc thực hiện. Các cụ ta xưa có câu: “Buôn bán trăm bề không bằng ăn dè để dành” để răn dạy con cháu. Sản xuất càng phát triển, của cải làm ra ngày càng nhiều, đời sống được nâng cao, thì càng cần phải tiết kiệm để phát triển hơn nữa.

Chính vì vậy, tiết kiệm luôn là quốc sách của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Để thực hiện rộng rãi việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đòi hỏi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và mọi người, mọi nhà phải đi đầu trong việc tiết kiệm. Vấn đề tiết kiệm cũng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển sẽ mở chuyên mục “Tiết kiệm là quốc sách” đăng tải các tấm gương điển hình về các cá nhân, tập thể và doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động tiết kiệm này. Kính mời quí độc giả chú ý theo dõi.

Mỹ Hạnh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024