ISSN-2815-5823
Thứ hai, 08h16 19/04/2021

Tìm cơ chế cho công nghệ, nguyên liệu để sản xuất nhựa phân hủy sinh học

(KDPT) – Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, cùng hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bao bì nhựa phân hủy sinh học…

Lãnh đạo Bộ TN&MT và Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác về nhựa phân hủy sinh học trong bối cảnh nhiều sản phẩm tự gắn nhãn mác bao bì tự hủy thân thiện với môi trường đang được tiêu thụ ngày càng nhiều trên thị trường với chất lượng chưa đảm bảo; đồng thời tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi các vấn đề về cơ chế chính sách, xu hướng thị trường, tác động của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi và bối cảnh kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học và các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý các sản phẩm này trong thời gian tới.

Chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững quốc gia. Với mỗi túi nilon hoặc mảnh nhựa, cần khoảng thời gian trung bình từ 200 năm đến 300 năm để phân hủy. Do đó, khi tồn tại ngoài môi trường, chất thải nhựa làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân gây ra cái chết đau đớn cho các loài động vật, đặc biệt là các loài động vật biển, chim biển, gây nên những hệ quả khôn lường về sự tồn tại của các giống loài và sự cân bằng sinh thái….

Với góc nhìn của nhà khoa học về nhựa tự hủy, PGS.TS. Lê Hùng Anh – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, nhựa phân hủy sinh học là loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học do tác động của vi sinh vật. Hiện nay, chưa có quy định thống nhất tại các nước về tỷ lệ tối thiểu nhựa sinh học có trong sản phẩm nhựa.

Theo PGS.TS. Lê Hùng Anh, trong nền kinh tế hiện nay trên thế giới, nhựa sinh học đang ngày càng được sản xuất và sử dụng nhiều hơn. Nhựa sinh học có lợi ích rất lớn cho bảo vệ môi trường (BVMT) và có thể thu hồi tái chế theo các con đường khác nhau. Để phân biệt nhựa sinh học với các loại nhựa truyền thống, các nước trên thế giới sử dụng các bộ tiêu chuẩn chất lượng và dán nhãn các loại nhựa sinh học.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khẳng định, để đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, Bộ TN&MT đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoạt động tái chế chất thải nhựa.

Trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vật dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế đất đai, đầu tư công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu nội địa…

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg năm 2020 về “Tăng cường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”. Theo đó, đã đưa nhiều chỉ tiêu và biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, thực hiện tuần hoàn tài nguyên.

Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định nhiều chính sách mới để tăng cường quản lý chất thải nhựa, chất thải nhựa đại dương và quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.

Hiện nay, Bộ Tài TN&MT đang tập trung nguồn lực để xây dựng và trình ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó sẽ hướng dẫn chi tiết về ưu đãi, hỗ trợ về BVMT; sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cũng cho rằng, cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để BVMT là một trong những chính sách cần thiết để thay thế dần các sản phẩm từ nhựa. Do đó, tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các đại biểu tham dự tập trung trao đổi thảo luận các vấn đề các quy định đối với việc cấp phép hoặc cấp chứng nhận nhựa tự phân hủy; chính sách quản lý và cơ chế hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa tự phân hủy.

Và các giải pháp công nghệ – kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống; khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm nhựa sinh học thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, trong đó có bao bì nhựa tự hủy; tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, cộng đồng các doanh nghiệp để phát triển sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế nhựa, nilon.

Đồng thời, xác định các thách thức trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhựa phân hủy sinh học; trong đó, xác định được những mặt được, mặt chưa được của sản phẩm thân thiện với môi trường; khả năng thay thế và những tác động của nó đến môi trường, kinh tế và xã hội trong quá trình sử dụng.

“Kết quả của Hội thảo ngày hôm nay sẽ có những đóng góp tích cực để Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, các chính sách để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024