ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 05h00 27/07/2018

Tình cảm tri ân luôn là đóa hoa đẹp nhất!

(KDPT) – Khi nhận nhiệm vụ viết bài về đề tài văn hóa doanh nhân mang màu xanh áo lính cho tạp chí số này, tôi đã lưỡng lự, phần vì vốn kiến thức của mình còn yếu, phần vì tư liệu không có nhiều, một câu, một từ không “chuẩn” biết đâu lại làm tổn hại đến những tình cảm tốt đẹp mà bấy lâu nay luôn trân trọng dành cho những anh bộ đội Cụ Hồ – chiến sĩ trên mặt trận kinh tế hôm nay. Thế nhưng khi được tiếp xúc với những câu chuyện từ Tổng công ty 36 (Bộ Quốc Phòng) và của cá nhân Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, về những việc làm nhân văn, thấm đẫm nghĩa – tình của người lính hôm nay dành cho những đồng chí, đồng đội mình, mạch viết không biết từ đâu đến và cứ thế tuôn dài…

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn được Tổng công ty 36 quan tâm và thực hiện tốt trong nhiều năm qua.

Chuyện kể rằng, Hà Nội, những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Mão, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh – Nguyên Chính ủy Trung đoàn 270 năm xưa gõ cửa phòng làm việc của Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp – Tổng giám đốc Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng). Với một phong cách rất nhà binh, ông thẳng thắn:

– Tôi đến để đặt vấn đề nhờ các anh giúp đỡ… 100 triệu đồng, cho các đồng đội của tôi!

– Vâng! Đồng đội của bác ở đâu, cần việc gì ạ?

– Họ ở Quảng Trị, trên một đồi cát trắng…

Và câu chuyện về đồi cát trắng ở tỉnh Quảng Trị mở ra nhiều điều tưởng chừng đã bị thời gian và cát trắng che mờ, cùng những câu chuyện đặc biệt.

Cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 16/10/1968, tại đồi cát trắng phau, 33 chiến sỹ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quân khu 4 đã chiến đấu ngoan cường với bộ binh Mỹ – ngụy có quân số áp đảo với sự yểm trợ của hơn 10 xe tăng – thiết giáp. Sau nhiều đợt tấn công, cầm cự, giằng co với quân địch thì 32 trong số 33 đồng chí cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn duy nhất đồng chí Hoàng Ngọc Bích sống sót và bị thương nặng – đó là nhân chứng duy nhất của lịch sử. Thời gian sau đó, anh Hoàng Ngọc Bích đã lập bàn thờ, tổ chức thờ cúng 32 đồng đội trong suốt hơn 40 năm qua tại nhà riêng của mình.

Câu chuyện đó khiến Đại tá Giáp lặng đi. Điều khiến ông khâm phục chính là nghĩa cử của anh Bích. Chỉ riêng việc lập bàn thờ đồng đội, làm giỗ đồng đội tại nhà, bao năm lặn lội đi tìm đồng đội, đã là những hành động rất anh hùng rồi!

CCB Hoàng Ngọc Bích thắp hương tại khu tưởng niệm 32 liệt sĩ trong ngày khánh thành.

Hiếm có cuộc gặp gỡ nào lại lạ kỳ như vậy. Vị tướng mong muốn sự ủng hộ khoảng 100 triệu đồng trong tổng kinh phí khoảng 300 triệu để dựng một tấm bia nhưng sau khi nghe câu chuyện chiến sĩ Bích rước vong linh 32 đồng đội về thờ tại nhà suốt gần nửa thế kỉ, Đại tá Giáp không lưỡng lự mà nói giúp… toàn bộ, bởi ông thầm nghĩ: “Nếu chỉ làm một cái bia thì đơn giản quá. Cần phải xây nơi đây một đài tưởng niệm, một nơi thờ tự, ngôi nhà chung của các liệt sĩ, một “nghĩa trang giữa chiến trường”. Chúng ta đã dựng nhiều bia chiến công nơi những trận thắng vang dội nhưng cũng cần có những tấm bia ghi công những người ngã xuống ở cả những trận tổn thất lớn lao”.

Và rồi, với sự nhiệt tâm và lòng tri ân sâu sắc của Tổng Công ty 36, với sự vào cuộc của tập thể, 1,3 tỷ đồng được quyên góp để xây dựng đài tưởng niệm cho 32 liệt sĩ. Không chần chừ, đơn vị bắt tay ngay vào công việc xây dựng Đài tưởng niệm với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Sáng 9/08/2011, đất trời Gio Linh sau mấy ngày mưa u ám, nắng bỗng bừng lên rực rỡ như chào đón lễ khánh thành Đài tưởng niệm. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và xúc động, như lời Đại tá Giáp, buổi khánh thành giống như “một đám tang chung” cho 32 liệt sĩ, khi bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” được ngâm lên trầm hùng, tất cả đều rưng rưng… Đại diện gia đình 32 liệt sĩ, những vị tướng từng xông pha trận mạc như: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Lê Văn Hân, Trung tướng Phạm Hồng Thanh, Trung Tướng Phạm Mạnh Đẩu, đại diện chính quyền xã Gio Mỹ và Đại tá Giáp đều không thể kìm nén được những giọt nước mắt. Trong không khí trầm mặc, linh thiêng, những nén nhang trong lư hương ở Đài tưởng niệm bỗng cháy bùng lên, như một sự giao cảm kì lạ giữa 32 liệt sĩ và những người có mặt hôm ấy.

Có lẽ đây là lần đầu tiên có một nghĩa trang dựng lên giữa chiến trường năm xưa mà dưới nền cát trắng vẫn còn máu xương của các chiến sĩ, lại do chính một đơn vị quân đội kêu gọi cán bộ, công nhân viên quyên góp thực hiện, rồi đứng ra làm chủ đầu tư công trình, không giống như bình thường, các doanh nghiệp ủng hộ vật chất và giao cho người khác xây dựng, lần này Tổng Công ty 36 vừa là “chủ đầu tư” và cũng là người thi công. Đồi Cát heo hút và ghi dấu bi hùng hôm nào giờ đã mọc lên Đài tưởng niệm trang nghiêm, cùng bia ghi danh và tóm tắt trận đánh trên diện tích 10.000 mét vuông với chi phí cho giai đoạn đầu là 2,2 tỷ đồng. Ngày 17/8/2013 khánh thành giai đoạn 2 của Đài tưởng niệm với tường bao, hệ thống cây xanh, phòng thờ… với tổng vốn đầu tư hai giai đoạn lên tới 5,2 tỷ đồng. Ước mong của chiến sĩ Hoàng Ngọc Bích về một nơi tưởng niệm cho các đồng đội ngày nào đã được thực hiện. “Tôi tin rằng ở cõi vĩnh hằng các liệt sĩ thêm ấm lòng, ngậm cười hoan hỉ” – Đại tá Nguyễn Đăng Giáp tâm sự trong cuốn sách “Như tôi đã sống” của ông.

Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp tại khu tưởng niệm 32 liệt sĩ.

Là một doanh nghiệp chuyên thi công xây lắp công trình, phát triển các dự án bất động sản và đầu tư các dự án BOT, nhiệm vụ làm kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu, thế nhưng bên cạnh đó, nhiều năm qua Tổng Công ty 36, với cái tâm của người lính, vẫn luôn dành tâm sức và tài lực cho các hoạt động an sinh xã hội.

Hằng năm, vào dịp rằm tháng 7, Tổng Công ty đều thành lập đoàn cán bộ vào dâng hương tri ân các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ và một số nghĩa trang khác ở các vùng lân cận như: Nghĩa trang đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị…

Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động an sinh xã hội khác như: Kêu gọi và ủng hộ phục dựng, tôn tạo, nâng tầm đền Diên Cờ (di tích lịch sử cấp quốc gia) tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trị giá hàng chục tỷ đồng. Ủng hộ xây đài tưởng niệm trong khu di tích lịch sử Truông Bồn, Nghệ An với số tiền 6 tỷ đồng. 5 năm liền đồng hành cùng báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia chương trình “Màu hoa đỏ”, tặng sổ tiết kiệm và quà cho các gia đình chính sách dịp 27/7 hàng năm. Xây dựng trên 50 nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách tại các địa phương trong nước và cả trên nước bạn Lào; Tặng gần 1.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với số tiền trên 5 tỷ đồng…. Tổng số tiền ủng hộ, tài trợ và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trong thời gian qua khoảng 100 tỷ đồng.

Nhịp đời luôn đổi thay, công việc kinh doanh khi thăng, khi trầm, nhất là trong thời đại hội nhập nhanh chóng và chứa đựng những bất ngờ, nhưng người lính Cụ Hồ vẫn “vững tay súng” trên mặt trận kinh tế, và hơn hết vẫn một tấm lòng hướng tới đồng chí, đồng đội. Những ngày này, hoa tươi và hương thơm lại được thắp lên ở nhiều nơi và trong tâm tưởng của mọi người, đó là những đóa hoa của tình cảm tri ân sâu sắc.

Thanh Tâm



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024