ISSN-2815-5823

Sầm Sơn từ “viên ngọc thô” ẩn mình, “lột xác” vươn lên và toả sáng

(KDPT) - Ít ai biết được rằng, để ghi dấu trên bản đồ du lịch, Sầm Sơn đã từng là “viên ngọc thô” ẩn mình “lột xác” vươn lên và toả sáng.

Từ “viên ngọc thô” ẩn mình

Sầm Sơn - thành phố trẻ bên bờ biển Đông vốn đứng chân trên dải đất có lịch sử hình thành ngót 3.000 năm. Thuở ban đầu khi chưa có dấu chân người, nơi đây chỉ là những cồn cát nối nhau, chạy dài từ núi Sầm Sơn đến Cửa Hới, xen lẫn vào đó là những vũng lầy chua mặn.

Mãi đến thế kỷ XVII, vùng đất đầy nắng và gió này mới bắt đầu có con người tìm đến khai phá. Tiếp tục trải qua hàng trăm năm đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, con người nơi đây mới có thể an cư, lập nghiệp, dựng nên xóm làng.

Ngược dòng lịch sử, Sầm Sơn khi ấy được đánh giá là “viên ngọc thô”, ẩn mình dưới ngút ngàn phi lao, cát trắng, và rồi vẻ đẹp lung linh của dải đất hoang sơ này đã hấp dẫn được “con mắt xanh” của những người Pháp.

Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, sóng lớn, bãi tắm thoai thoải, nước biển nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, Sầm Sơn còn hài hòa cùng cảnh sắc núi, sông tươi đẹp, nơi có dãy Trường Lệ dang đôi tay bao bọc lấy xóm làng và sông Mã mang phù sa vỗ về sự sống.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, Sầm Sơn được ví như “viên ngọc thô”, ẩn mình dưới ngút ngàn phi lao, cát trắng.
Cách đây hơn 1 thế kỷ, Sầm Sơn được ví như “viên ngọc thô”, ẩn mình dưới ngút ngàn phi lao, cát trắng.

Năm 1907, người Pháp bắt đầu xây dựng Sầm Sơn trở thành khu nghỉ dưỡng dành riêng cho quan lại Pháp, Việt và giới thượng lưu, quý tộc. Cũng từ đây, những villa, biệt thự mọc lên trên các mỏm đá hoa cương, trườn ra mép cát; những khu phố buôn bán sầm uất dần thay thế hình ảnh làng chài lam lũ. Đó cũng là những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng định hình nên diện mạo đô thị du lịch biển Sầm Sơn.

Trải qua hơn 1 thế kỷ kể từ khi ghi dấu trên bản đồ du lịch, Sầm Sơn đã đi qua không ít thăng trầm, chìm nổi, thậm chí có thời điểm tưởng chừng như du lịch đã trở thành khái niệm xa lạ với người dân nơi đây. Rồi phải chờ đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, cái tên Sầm Sơn mới được nhắc nhở trở lại.

Mùa hè năm 1989 với slogan “sức khỏe - kinh tế - bạn bè”, Sầm Sơn đã chính thức đưa điểm đến du lịch này trở lại “đường đua tăng trưởng”, tìm lại vị thế của khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương như chính người Pháp đã khẳng định từ hơn 1 thế kỷ trước.

Sầm Sơn vươn lên và toả sáng

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, Sầm Sơn hôm nay đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nâng cao vai trò và khẳng định vị thế của một trong những đô thị du lịch biển hàng đầu Việt Nam. Một dấu ấn đáng tự hào của du lịch Sầm Sơn là trong năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

Mới đây, trong giai đoạn 2021- 2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, TP. Sầm Sơn đã đón gần 8 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 14.200 tỷ đồng, đóng vai chủ đạo giúp Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ 4 cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ hoạt động du lịch.

Sầm Sơn hôm nay đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một trong những đô thị du lịch biển hàng đầu Việt Nam.
Sầm Sơn hôm nay đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một trong những đô thị du lịch biển hàng đầu Việt Nam.

Tính đến đầu năm 2024, Sầm Sơn có hơn 700 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác. Ước tính đến hết năm 2023, thành phố Sầm Sơn có 25.000 lao động du lịch.

Cùng với các yếu tố tự nhiên, Sầm Sơn còn là “vùng đất huyền thoại”, với một không gian lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng biển. Kho tàng di sản văn hóa của Sầm Sơn gắn với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp và lễ hội dân gian đặc sắc. Năm 2019, Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Quần thể này gồm nhiều di tích nổi tiếng như: Hòn Trống Mái mà câu chuyện cảm động của nó đã khơi nguồn cảm hứng cho Sầm Sơn xây dựng Lễ hội Tình yêu; đền Độc Cước nằm trên hòn Cổ Giải vươn mình ra biển; đền Cô Tiên toạ lạc trên đỉnh Đầu Voi trông ra mênh mông trời nước…

Cùng với đó, Sầm Sơn còn là nơi toạ lạc của hệ thống di tích như: Đền Tô Hiến Thành, đền Cá Lập, đền Bà Triều, đền Đề Lĩnh, chùa Khải Minh… gắn liền với các lễ hội lớn là lễ hội Đề Lĩnh, lễ hội Bà Triều, lễ hội Cỗ oản chùa Khải Minh. Không chỉ vậy, Sầm Sơn còn có nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước; Lễ hội Bánh Chưng-Bánh Dày; Lễ hội Cầu Ngư - Bơi Chải…

Sầm Sơn được đánh giá là “vùng đất huyền thoại”, với một không gian lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng biển.
Sầm Sơn được đánh giá là “vùng đất huyền thoại”, với một không gian lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng biển.

Với những nền tảng căn bản, Sầm Sơn đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững và xây dựng thành phố thông minh. Ngày 22/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 201/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó, Sầm Sơn được định hướng xây dựng thành 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm của cả nước.

Đặc biệt, ngày 19/4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Sầm Sơn, tạo môi trường thuận lợi để thành phố biển tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, vươn lên và toả sáng, xứng đáng với tầm vóc và những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024