Cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng
Công ty Cổ phần Cà phê Phước An (Km 26, quốc lộ 26, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), nơi đang diễn ra tranh chấp hợp đồng giao khoán với người trồng cây cà phê.

Mập mờ trong quá trình CPH

Ngày 15/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1832/TTg - ĐMDN về việc phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk, trong đó công ty TNHH MTV cà phê Phước An là một trong những công ty nằm trong danh sách sắp xếp lại. Sau khi kết thúc hợp đồng giao khoán vào ngày 30/1/2017, công ty tổ chức thỏa thuận ký hợp đồng lại, các hộ được giao khoán mới được biết công ty đang sắp xếp đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Điều đáng nói, trong thời gian sắp xếp đổi mới doanh nghiệp từ năm 2015 đến năm 2017, Công ty TNHH MTV cà Phê Phước An phải tuân thủ các Nghị định của Chính phủ, cụ thể diện tích được giao khoán cho các hộ dân được quy định diện tích khoán trắng, buộc phải thu hồi đất để giao hoặc cho các hộ dân thuê để nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đời sống của các hộ dân.

Qua hồ sơ và trao đổi trực tiếp với người dân được giao khoán vườn cây, thì phía công ty TNHH MTV cà phê Phước An (nay là công ty cổ phần cà phê Phước An) đã không tiến hành thanh lý vườn cây theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, mà vẫn tiếp tục thu sản lượng giao khoán đến năm 2017 với sản lượng giao khoán không đổi, đặt ra một dấu hỏi lớn liệu có hay không việc cố ý không thanh lý vườn cây của Công ty TNHH MTV cà Phê Phước An để thu sản trái phép của các hộ dân nhận khoán?

Việc công ty TNHH MTV cà phê Phước An không tuân thủ quy định pháp luật về việc sắp xếp đổi mới công ty nông nghiệp còn được thể hiện trong quá trình lập phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt ngày 03/05/2017.

Phúc đáp Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển tại văn bản số 2416/STNMT-QLĐĐ ngày 26/8/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, qua rà soát trong phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV cà phê Phước An trình phê duyệt (trong quá trình Cổ phần hoá - PV) không có nội dung thể hiện diện tích đất công ty đã thanh lý vườn cây cà phê, diện tích đất khoán trắng. Đồng thời, nếu có trường hợp này xảy ra thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với các Sở, Ngành để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc không báo cáo về diện tích đất khoán trắng cho các cơ quan có thẩm quyền, nên diện tích đất khoán trắng không được thu hồi theo điều 15 Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ “Về sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp” để giao lại, hoặc cho các hộ dân thuê lại. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích và đời sống của các hộ dân, trong đó có hàng trăm hộ người đồng bào dân tộc tại chỗ.

Ai bảo vệ quyền lợi người dân?

Hiện nay, Công ty Cổ phần cà phê Phước An đã khởi kiện một số hộ dân với yêu cầu buộc trả lại diện tích đất, trả lại vườn cây, bồi thường thiệt hại... Theo tài liệu thu thập được, trong quá trình cổ phần hóa, vườn cây cà phê không được tính vào tài sản cổ phần hóa, do vậy các tài sản trên đất gồm cây sầu riêng và các tài sản khác là của hộ giao khoán. Ngày 09/09/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 138/2022/TLPT-DS ngày 13/07/2022 về việc tranh chấp hợp đồng giao khoán giữa nguyên đơn Công ty cổ phần cà phê Phước An bị đơn là hộ ông Nguyễn Văn Tự.

Cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng
Một phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp hợp đồng giao khoán giữa công ty cổ phần cà phê Phước An với hộ giao khoán.

Trong quá trình phiên tòa diễn ra, bị đơn là ông Nguyễn Văn Tự đã yêu cầu làm rõ việc vườn cây không phải là tài sản cổ phần hóa, và việc hợp đồng giao khoán đã hết thời gian giao khoán và đã chấm dứt từ 30/01/2017 và trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp công ty Phước An đã không tuân thủ Nghị định 118/2014/NĐ-CP, dẫn đến việc người dân không được giao đất, thuê lại diện tích đất mà người dân đã được khoán trắng và canh tác nhiều năm.

Theo người đại diện được ủy quyền và luật sư của ông Nguyễn Văn Tự, phía bị đơnkhông đồng ý với bản án tòa sơ thẩm vì việc xác định tranh chấp hợp đồng giao khoán là không đúng với bản chất vụ việc, không đưa người có quyền nghĩa vụ liên quan là UBND tỉnh Đắk Lắk và các ngân hàng đang cho công ty vay liên quan đến tài sản đang tranh chấp, trong đó có tài sản của người dân. Không xác định giá trị diện tích đất trong yêu cầu khởi kiện để tính án phí là không đúng quy định. Với yêu cầu khởi kiện buộc ông Nguyễn Văn Tự phải trả lại diện tích đất đã được nhà nước cho công ty Phước An thuê, trả lại vườn cây và bồi thường thiệt hại từ năm 2017 đến năm 2020 do việc không trả lại diện tích đất cho công ty.

Trên thực tế, hợp đồng giao khoán đã kết thúc thời hạn theo thỏa thuận là tháng 30/01/2017, tính đến thời hạn kết thúc hợp đồng giao khoán bên nhận giao khoán là hộ ông Nguyễn Văn Tự đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, không vi phạm, không tranh chấp trong thời hạn hợp đồng, mặc dù công ty Phước An đã có thông báo về việc thanh lý hợp đồng, do không thỏa thuận được việc giao kết hợp đồng mới, vườn cây sầu riêng là tài sản của người dân, người dân vẫn tiến hành chăm sóc là việc làm tất yếu.

Yêu cầu khởi kiện trả lại vườn cây một cách phi lý, bởi Công ty cổ phần cà phê Phước An không có quyền tài sản đối với vườn cây. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã không xem xét đến tình tiết nêu trên mà chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty Phước An là chưa khách quan toàn diện.

Trước những diễn biến phức tạp, để đảm bảo lợi ích của người dân, ngày 30/5/2022, UBND huyện Krông Pắk đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk sớm chỉ đạo xem xét, giải quyết khiếu nại và kiến nghị của các hộ dân nhận khoán với Công ty Cổ phần cà phê Phước An; đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh sớm tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với các hộ dân nhận khoán và Công ty Phước An để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tranh chấp. Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Cà phê Phước An và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Bài 2: Cần đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp Bài 2: Cần đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Bài 1: Bất cập việc giao khoán vườn cây cà phê ở Công ty Cổ phần Cà phê Phước An Bài 1: Bất cập việc giao khoán vườn cây cà phê ở Công ty Cổ phần Cà phê Phước An