ISSN-2815-5823

Trường Báo ra nội quy mới, không phải lên đại học là nhàn nhã

(KDPT) – Sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do, giờ giải lao vào muộn sẽ bị tính nghỉ học không phép, sự dụng điện thoại 4 lần bị đình chỉ học 1 năm… đây là những quy chế mới của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Bỏ qua quan niệm lên đại học là nhàn nhã

Mới đây, bản thông báo về việc thực hiện quy chế đối với đối với giảng viên, sinh viên các lớp đào tạo đại học chính quy của Học viện Báo chí và Tuyên truyền khiến nhiều sinh viên không khỏi lo lắng, thậm chí phản ứng vì độ “gắt” của nội quy mới.

Cụ thể, giảng viên lên lớp muộn 10 phút thì buổi học đó bị tính là giảng viên bỏ giờ không lý do.

Sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do. Giờ giải lao sinh viên vào muộn sẽ bị tính một buổi nghỉ học không phép.

Trong giờ học giảng viên và sinh viên tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động. Những buổi học có sự tương tác và truy cập tài liệu mà phải dùng điện thoại, giảng viên phải báo trước với Ban quản lý đào tạo.

Nội quy mới của Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Khi các bộ phận chức năng đi kiểm tra, phát hiện có sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học thì giảng viên và sinh viên phải cùng chịu trách nhiệm trước nhà trường. Sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học 1 lần sẽ bị khiển trách, 3 lần sẽ cảnh cáo trước toàn trường và 4 lần thì sẽ bị đình chỉ 1 năm học,…

Từ ngày 4.9.2018, trừ ngày thứ 7 và Chủ nhật, Học viện sẽ đóng tất cả các cổng phụ trong thời gian như sau: Buổi sáng từ 7h30 đến 11h; buổi chiều từ 13h30 đến 17h. Trong thời gian này, cán bộ công chức, người lao động và sinh viên đến trường đi qua cổng chính.

Nhiều ý kiến trái chiều

Ngay sau khi được đăng tải, bản quy chế “rắn” này đã gặp phải không ít những bình luận trái chiều cùng những lời than phiền của nhiều sinh viên.

Nhiều sinh viên cho rằng quy định đó không hề phù hợp với đại đa số sinh viên và mong Ban giám đốc xem xét và thay đổi những quy định.. Bởi học đại học chủ yếu là tự học, thay vì có những quy định nghiêm ngặt như vậy.

Một sinh viên chia sẻ: “Chúng em cảm thấy vô cùng khó hiểu trước thông báo đó. Biết là trường học là môi trường rèn luyện, việc đưa ra các quy định đó nhằm tốt cho chúng em. Nhưng với thời đại công nghệ thông tin thì việc cấm sinh viên đại học sử dụng điện thoại trong lớp có lẽ là hơi quá. Nếu muốn sử dụng thì phải xin phép phòng đào tạo, còn không bị bắt 1 lần khiển trách, 3 lần cảnh cáo trước toàn trường và 4 lần bị đình chỉ học. Sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học cho việc riêng là điều không tốt, nhưng đôi khi có những phần kiến thức bổ trợ cần tra cứu ngay cũng phải xin ý kiến đào tạo thì thật khó khăn. Mà thủ tục xin phép mọi người cũng hiểu là rất rắc rối và không hề đơn giản”.

Em D.A nói: “ Em nghĩ Ở bậc đại học không nên quá cứng nhắc với những nội quy nghiêm ngặt đến như vậy. Đặc biệt đường xá Hà Nội vô cùng lằng nhằng, nhiều khi dù đi học từ sớm nhưng tắc đường hay xe hỏng thì rất khó để đến lớp luôn đúng giờ. Thầy cô đến muộn 30 phút chúng em còn không dám về, hà cớ bọn em đi muộn 5 phút đã bị tính nghỉ không lý do? ”.

Em H.T cho hay: “ Quy định đại học nên thoáng hơn bậc phổ thông. Việc sử dụng điện thoại di động vào việc riêng biết là không tốt nhưng với nhiều môn học rất cần sự hỗ trợ của Internet ở những tình huống không cố định, nếu mỗi lần muốn sử dụng lại phải xin phép ban quản lý đào tạo thì hết xừ một buổi học của chúng em rồi.”

Dù nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với những nội quy nghiêm ngặt và mong có sự xem xét lại nhưng cũng có những ý kiến cho rằng đây là cách để hình thành kỷ luật tốt, tăng sự tập trung và nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên.

Phạt để răn đe, có khổ lần sau mới nhớ và không tái phạm. Có vẻ như Học viện Báo chí Tuyên truyền muốn siết chặt kỷ luật, chấn chỉnh ý thức học tập của sinh viên, để sau ra trường, tiếp xúc với môi trường làm việc kỷ luật của Nhà nước không bị bỡ ngỡ.

Doanh Lương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024