ISSN-2815-5823

Từ 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc

(KDPT) - Chỉ còn hơn 1 năm, mọi người dân, gia đình bắt buộc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Tập đoàn Stavian xúc tiến dự án xử lý rác thải nhựa 17.000 tấn/năm

Từ 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là hướng dẫn quan trọng để các địa phương triển khai kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý rác theo điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm:

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thủy tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ)

+ Chất thải thực phẩm

+ Chất thải rắn sinh hoạt khác (Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác).

Có thể thấy, các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.

Phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từng phân loại rác tại nguồn từ cách đây gần 20 năm nay tiếp tục quay trở lại thí điểm phân loại rác tại nguồn.

Các hộ dân được hướng dẫn phân loại rác thành 2 loại: Rác tái chế bao gồm nilon, chai thủy tinh..được thu gom riêng, để tái chế... Rác còn lại, bao gồm cả hữu cơ, sau đó đưa ra điểm thu gom.

Trong 3 năm qua, quận Hoàn Kiếm đã thu gom được 2.500 tấn rác tái chế. Việc phân loại rác mặc dù chưa triệt để nhưng đã mang lại sự chuyển biến lớn về môi trường.

Tuy nhiên, để không lặp lại câu chuyện hơn 10 năm trước, rác sau phân loại đổ chung vào 1 xe thu gom và chưa được tái chế triệt để, khiến nhiều người dân không duy trì lâu dài, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

Thiếu hạ tầng xử lý rác ở các địa phương

Hiện nay, một số địa phương vẫn đang thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường để việc phân loại được hiệu quả, từ khâu thu gom, xử lý cần được đầu tư hơn nữa đặc biệt cơ sở hạ tầng và các nhà máy để xử lý cho từng loại rác.

Để thực thi quy định phân loại rác thải tại nguồn, TP. Hà Nội và nhiều đô thị sẽ triển khai nhiều biện pháp như: tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng các trạm trung chuyển, phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển riêng biệt từng loại rác; và cách tính phí xử lý rác theo khối lượng hay theo thể tích cần có các quy định cụ thể.

Một khối lượng công việc không phải là ít đối với các tỉnh, thành phố. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương phải đưa ra những đầu việc cụ thể về phân loại rác để người dân thực hiện. Các cơ quan quản lý hiện đang khá lúng túng. Cách đây hơn chục năm nhiều địa phương, TP. Hà Nội cũng thí điểm phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền đến người dân, khu dân cư… nhưng rồi cũng không hiệu quả.

Khảo sát hồi đầu năm nay từ Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, người dân ủng hộ cao: 80,6% hộ gia đình và 75,5% doanh nghiệp nhận thức đây là việc dễ thực hiện và ủng hộ áp dụng tại hộ gia đình, doanh nghiệp. Nhưng họ lại thiếu động lực thực hiện nếu đổ chung rác sau khi phân loại.

Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn. Chính vì vậy, việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải được rất nhiều địa phương quan tâm, nhất là các vùng nông thôn, miền núi nơi việc xử lý rác thải đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khối lượng rác thải ở các khu vực miền núi, nông thôn và cả nước vẫn không ngừng gia tăng, trên 12% mỗi năm. Và hàng ngày vẫn có tới 85% trong số trên 67.000 tấn chất thải sinh hoạt mỗi ngày trong cả nước đang xử lý theo hình thức chôn lấp không phân loại, khiến nhiều bãi rác quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng.

Lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Phần còn lại sẽ là gánh nặng lên chi phí, nguồn lực để xử lý và ảnh hưởng môi trường, sức khỏe của chính chúng ta.

Do vậy, phân loại có vai trò quan trọng để loại bỏ những tạp chất tồn đọng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý rác. Từ đó rác sẽ nhanh chóng có một vòng đời mới, tái chế, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý. Rác sẽ thực sự trở thành tài nguyên. Mỗi chúng ta sẽ góp phần vào lối sống xanh, bền vững./.

HƯƠNG LAN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/12/2024