Từng bước hoàn thiện thiết kế đồng bộ lưới điện TP đáp ứng tiêu chí thông minh, hiện đại
(KDPT) – Theo Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội, phấn đấu đến năm 2045, tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 700MW và điện rác khoảng 300MW phù hợp với tiềm năng, đặc thù của TP.
Mục tiêu nhằm triển khai sâu rộng, hiệu quả, thực chất những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn của Bộ Chính trị trong xây dựng và phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu quy hoạch đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, ngoại giao, văn hóa, quốc phòng, an ninh của Thủ đô và phục vụ tốt đời sống nhân dân.
Không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động truyền tải, phân phối bảo đảm cung ứng và sử dụng điện. Từng bước hoàn thiện thiết kế đồng bộ lưới điện TP đáp ứng tiêu chí thông minh, hiện đại, linh hoạt xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội, nằm trong nhóm những TP có chất lượng điện năng tốt nhất trong khu vực ASEAN.
Phát triển ngành điện Thủ đô phải luôn đi trước một bước, là điểm tựa và động lực cho các ngành kinh tế, sản xuất công nghiệp có thế mạnh của Thủ đô và đáp ứng đầy đủ cấp điện cho các DN nước ngoài đầu tư trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh TP tiếp tục duy trì tốc độ tăng trường ở mức cao, làn sóng đón nhận đầu tư gia tăng liên tục trong thời gian vừa qua.
Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu cấp điện phục vụ quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa Thủ đô song hành với bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh và triển khai các chính sách an sinh xã hội phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm, chăm lo đến đời sổng của đối tượng những người lao động có thu nhập thấp, thuê nhà trọ để ở, người dân sinh sống tại những địa bàn các xã thuộc các huyện còn gặp nhiều khó khăn của TP…
Cụ thể, Thành ủy đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030 điện năng thương phẩm toàn TP đạt 52.178 triệu kWh; điện năng thương phẩm bình quân đầu người 5.721kWh/người/năm; công suất cực đại Pmax = 9.400MW; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5%.
Đến năm 2045 điện năng thương phẩm toàn TP đạt 150.000 triệu kWh; điện năng thương phẩm bình quân đầu người 15.000kWh/người/năm; công suất cực đại Pmax= 25.000MW; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2031-2045 đạt 5%.
Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 2% vào năm 2030; 5% vào năm 2045. Phấn đấu đến năm 2045, tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 700MW (triển khai lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà tại các chung cư thấp tầng, tòa nhà cao tầng của TP) và điện rác khoảng 300MW phù hợp với tiềm năng, đặc thù của TP.
Phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 8%-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn TP giai đoạn 2020-2030 và khoảng 14% giai đoạn 2031-2045. Đẩy mạnh việc sử dụng các trang thiết bị, máy móc có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, kiểm toán năng lượng và tăng cường các giải pháp giảm thiểu điện năng tiêu thụ, khí thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị.
Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.
Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí dự phòng một nguồn cấp (n-1) đối với vùng phụ tải quan trọng, dự phòng hai nguồn cấp (n-2) đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng và cho lưới điện truyền tải. Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện.
Đến năm 2045 hoàn thành việc chuyển đổi, thống nhất sử dụng cấp điện áp 22kV cho lưới điện trung áp; tỷ lệ ngầm hóa đường dây điện cao, trung, hạ áp tại các quận lõi trung tâm, khu vực đô thị có quy hoạch ổn định đạt 100%.
Giải pháp chủ yếu được Thành ủy Hà Nội đưa ra là phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá TP.
Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng…
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng. Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn thành sớm các dự án công trình điện theo Quy hoạch.
VÂN HÀ
Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.vn/tung-buoc-hoan-thien-thiet-ke-dong-bo-luoi-dien-tp-dap-ung-tieu-chi-thong-minh-hien-dai-210556.html