ISSN-2815-5823
Thứ hai, 06h04 10/08/2020

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

(KDPT) – Từ năm 2015 đến nay, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện được gần 900 đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó, có nhiều dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt, chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất đã nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế, KH&CN vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển trong vùng.

Nông dân xã An Viên huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, không chỉ có thế mạnh về lúa gạo mà còn là vựa trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng hiệu quả KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, vùng này có bước phát triển vượt bậc so với các vùng miền khác trong cả nước. Thành công nổi bật của ĐBSCL là tạo được giống lúa cực sớm (các giống OMCS) với thời gian sinh trưởng ngắn, tránh được lũ, bảo toàn đồng lúa không bị thất thoát. Việc tăng nhanh diện tích sản xuất lúa đông xuân, hè thu bằng giống lúa cực sớm là yếu tố quan trọng để tăng năng suất, sản lượng lúa toàn vùng. Trước đây, hàng năm với hai triệu ha đất canh tác một vụ, năng suất hai tấn/ha, cả ĐBSCL chỉ đạt khoảng 4 triệu tấn lúa, thì đến nay với 3,8 triệu ha gieo trồng, năng suất đạt 5 – 6,5 tấn/ha, nâng tổng sản lượng lúa lên đến 26 triệu tấn. Giống lúa cực sớm được đánh giá là thành công nhất của Viện lúa ĐBSCL.

Không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng lúa gạo ở vùng này không ngừng tăng. Để có được hạt gạo chất lượng, phải nói đến công nghệ hạt giống. ĐBSCL đã có những bước tiến đáng kể trên lĩnh vực này. Cách đây 10 năm, hạt giống tốt (giống xác nhận) chỉ có 20%, thì đến nay hơn 90% diện tích sử dụng giống xác nhận. Các loại lúa đặc sản có chất lượng cao như: IR64, OM 1490, VN 95-20, MTC 250, lúa thơm đặc sản ST, lúa nàng thơm Chợ Đào, Jasmine, … phục vụ xuất khẩu ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng lớn về diện tích, sản lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, nhờ chuyển giao, ứng dụng hiệu quả chương trình ba giảm, ba tăng trong sản suất lúa đã giúp tỉnh này tăng nhanh diện tích, hơn 95% số nông dân thực hiện với 92% diện tích trồng lúa năm 2019, sản lượng đạt hơn 8 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn so năm 2015, cao nhất từ trước đến nay, và là tỉnh có sản lượng lúa cao nhất nước. Đồng Tháp là tỉnh tiên phong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả. Tỉnh xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ với hai giống lúa IR50404,VD20, giúp nông dân giảm giá thành từ 10 đến 20% , tăng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho hạt gạo; mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa vụ thu đông cho năng suất 6,3 tấn/ha, lợi nhuận đạt 15,2 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 3,1 triệu đồng/ha. Các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa; canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu; nuôi cá tra theo chuỗi giá trị liên kết; mô hình trồng xoài, sản xuất rải vụ ở các xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh), Bình Thạnh, Mỹ Hương (huyện Cao Lãnh)… cũng cho lợi nhuận khá cao. Tính đến nay, tỉnh có 10 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có mặt trên thị trường quốc tế, như xoài tiêu thụ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Sảma (Nga); nhãn xuất sang thị trường Mỹ; chanh xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản; ớt trái Thanh Bình xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc; cá tra xuất sang Mỹ, châu Âu.

Cán bộ nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng kiểm tra đồng lúa đặc sản.

Trước những khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ, Đồng Tháp đã áp dụng thành công KH&CN vào sản xuất nông nghiệp để biến thách thức cơ hội, vươn lên phát triển. Tại Hậu Giang, tỉnh mới thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5.200 ha, sản phẩm chủ lực là lúa gạo đặc sản chất lượng cao, cây ăn trái và chăn nuôi. Ngoài ra, tỉnh đặc biệt ưu tiên kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm để tăng giá trị gia tăng của nông sản. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô lớn, như vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha, mía 10.3000 ha, khóm 1.500 ha, cây có múi đặc sản 10.000 ha…

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay nhiều nông sản có thế mạnh của địa phương đã đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến, như bưởi Năm Roi Phú Thành, bưởi Hồ Lô Phú Hữu, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, xoài cát Hòa Lộc, cá Thát Lát…

Nuôi trồng, chế biến thuỷ sản cũng là thế mạnh của ĐBSCL. Vùng nước lợ thuộc các huyện Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nông dân đã khai hoang và chuyển hơn 40 nghìn ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Ở đây có nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, tôm lúa…; nhưng nuôi tôm theo công nghệ vi sinh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trang trại 200 ha của anh Quách Hoàng Phong tại xã Vĩnh Phước (huyện Vĩnh Châu), nuôi tôm thẻ công nghiệp theo tiêu chuẩn AB, đạt năng suất từ 8 – 10 tấn/ha. Từ miền Bắc, miền Trung, các tỉnh ven biển ĐBSCL, rất nhiều bà con nông dân về đây tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Theo nhận xét của bà con nông dân, sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm có ưu điểm là tạo được môi trường nước sạch, bổ sung men tiêu hóa và chất vi lượng làm tăng khả năng hấp thụ thức ăn của tôm, hạn chế dịch bệnh, tôm phát triển nhanh, năng suất cao, chi phí thấp, từ đó thu hút hàng chục nghìn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL áp dụng công nghệ vi sinh cho thu nhập cao.

Ngư dân bán đảo Cà mau thu hoạch tôm.

Để có được kết quả này, các chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm đã ứng dụng khá thành công những mô hình nuôi tôm bằng công nghệ sinh học. Điển hình là ông Hứa Thành Hưng ở xã Trung Bình, (huyện Trần Đề), vụ tôm vừa qua gia đình ông thả nuôi 24 ao tôm thẻ, thu hoạch 162 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi 11,2 tỷ đồng. Ông khẳng định: “Sự thành công này trước hết là không dùng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi mà tăng số lượng ao lắng, ao chứa kết hợp nuôi cá chẽm, sau đó mới lấy nguồn nước này xử lý để nuôi tôm. Đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường đất trong ao, giúp đưa môi trường về gần với tự nhiên hơn nên tôm nuôi ít bị dịch bệnh. Nhờ cách làm này mà các ao nuôi tôm của ông đều phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao”.
Trường hợp ông Hai Hoàng – thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, thì ngoài việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý tốt môi trường ao nuôi còn nuôi thêm cá rô phi làm đối tượng nuôi ghép, kết hợp thả tôm mật độ thưa (30 – 50 con/m2). Nhờ vậy, trong số 30 ao nuôi chỉ có một ao thất bại. Mức lợi nhuận của ông Hoàng tính ra cũng hơn chục tỷ đồng…

Sản xuất tôm đông lạnh

Ngoài cây lúa – con tôm, ĐBSCL còn phát triển mạnh cây ăn quả, thế mạnh tuyệt đối của vùng. Hiện nay, cuộc “cách mạng” giống cây ăn quả ở ĐBSCL phát triển rất mạnh. Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đánh giá: “Ở ĐBSCL, địa phương nào cũng có những loại cây đặc sản, có ưu thế vượt trội về chất lượng”. Theo ông, để có những loại giống cây ăn quả ngon, chất lượng cao – ngoài việc tuyển chọn, cung cấp giống của các viện, trường cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước và nhà khoa học, nông dân có nhiều sáng tạo trong việc tuyển chọn giống cây ăn quả tốt, áp dụng hiệu quả KH&CN để đưa vào sản suất, như: giống bưởi da xanh; xoài cát Hoà Lộc; sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hoá, 6 Ri; thanh long ruột đỏ Long Định 1, ruột trắng Chợ Gạo; vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim (Tiền Giang), vú sữa bơ ở Lai Vung (Đồng Tháp . Một số loại trái cây ngon, chất lượng cao, nổi tiếng như nhãn tiêu, xoài cát (Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cam sành Tam Bình (Vĩnh Long)… Phát triển thành vùng chuyên canh, tập trung với quy mô lớn, sản lượng hàng hóa nhiều, theo mô hình kinh tế trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn. Vùng trồng cam, quýt tập trung ở TP Cần Thơ, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 100 nghìn tấn quả có chất lượng cao, Bến Tre 90 nghìn tấn …Đặc biệt, để đẩy mạnh và phát huy thế mạnh của vùng, nhằm bảo đảm chất lượng trái cây an toàn trước và sau thu hoạch, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Các tỉnh ĐBSCL thực hiện thành công việc “Liên kết tiêu thụ trái cây an toàn Khu vực Sông Tiền” (Good Agriculture Practice, gọi tắt là GAP). Liên kết GAP hiện thu hút hơn 260 hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp sản xuất trái cây, các trung tâm, các viện nghiên cứu trong khu vực. Có thể nói, GAP Sông Tiền đi vào hoạt động đã và đang mở ra hướng đi mới cho vùng cây ăn trái ĐBSCL, nâng cấp giá trị thương phẩm và tạo cơ hội mới cho các nhà vườn.

Các nhà vườn thuộc tiểu vùng sông Tiền- Sông Hậu liên kết sản sản xuất trái cây.

Hướng đến phát triển bền vững

ĐBSCL được xem là vùng an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp trọng điểm với sản lượng lúa chiếm 52% và 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước; thuỷ sản chiếm 80% và cây ăn quả chiếm 70% sản lượng cả nước. Nhưng so với nhiều vùng miền trong cả nước, nông dân ĐBSCL còn hạn chế cả về vốn, trình độ tri thức và mức độ thụ hưởng an sinh xã hội. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL ngày càng gặp nhiều khó khăn, rủi ro và thiếu bền vững. Sản xuất phát triển, hàng nông sản xuất khẩu ngày càng nhiều nhưng nông dân vẫn nghèo nên không hấp dẫn họ gắn bó với nghề. Mức độ đầu tư (nhất là KH&CN, cơ sở hạ tầng…) cho sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ và chưa kết nối thị trường. Trong khi chi phí sản xuất tăng cao, giá các mặt hàng nông sản bấp bênh, yếu tố thời tiết bất thường, nhiều loại dịch hại nguy hiểm xuất hiện khiến chất lượng con giống, vật nuôi, cây trồng ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Điểm yếu nhất là cơ giới hóa trong nông nghiệp chỉ tập trung ở khâu làm đất, vận chuyển và xay sát lúa gạo; còn các khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, chủ yếu là lao động thủ công. Hiện nay khu vực ĐBSCL có khoảng 9.000 máy gặt đập liên hợp, gần 4.000 máy gặt rải hàng. Năng lực hiện tại của máy móc chỉ đáp ứng được khoảng 50% diện tích thu hoạch lúa toàn vùng. Ở Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau – một trong những vùng sản xuất lúa gạo tương đối lớn, nhưng số máy gặt đạt rất thấp. Chỉ có Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng là mạnh dạn đầu tư cho nông dân vay vốn mua máy nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 50 – 60% diện tích thu hoạch. Hiện ĐBSCL gieo trồng khoảng 3,8 triệu ha lúa mỗi năm phần lớn diện tích còn thu hoạch thủ công, tỷ lệ thất thoát chiếm tới 14% sản lượng lúa toàn vùng. Nếu tính thời giá hiện nay nông dân thiệt hại gần 12.700 tỷ đồng. Hơn nữa, do chưa có công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch, giá thương phẩm các loại lương thực cũng bị giảm tới 20%.

Để ĐBSCL phát triển nhanh và vững chắc hơn, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương và bà con trong vùng, rất cần sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Nhà nước về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư, KH-CN, thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa trong và ngoài nước. Nhà nước cần hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường một cách nhanh chóng và chính xác để làm cơ sở cho sự phát triển đối tượng cây trồng, vật nuôi, số lượng để bảo đảm cho nông dân đầu tư sản xuất hiệu quả. Mặt khác, nhanh chóng hình thành những vùng quy hoạch đối tượng cây trồng, vật nuôi thật cụ thể. Các nhà khoa học cần đưa ra những quy trình sản xuất, nhất là đối với các đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần đẩy mạnh liên kết vùng và liên kết 4 nhà. Từ đó, mới tạo ra được các chính sách, triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, giúp phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương. Đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tăng cường công tác giáo dục đào tạo nhằm nâng cao trình độ cho nông dân và chuyển dịch một bộ phận lao động ở nông thôn sang lĩnh vực lao động khác; đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất nhằm tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng và giá trị cao, phát triển và bảo vệ thị trường… Trước hết, cần đẩy nhanh hơn nữa khâu cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, một mặt giải quyết vấn đề nhân công, giảm chi phí sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch. Vấn đề hiện nay là giá máy còn khá cao (khoảng 200 – 230 triệu đồng/chiếc), nên không phải ai cũng mua được. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân về vốn hoặc tổ chức dịch vụ thu hoạch cho mùa vụ.


Bài và ảnh: ĐỖ NAM

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024