ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h53 30/01/2019

Vàng thế giới và dầu đồng loạt tăng giá

(KDPT) – Trong phiên giao dịch ngày 29/1, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong hơn tám tháng, trước những hoài nghi về quan hệ thương mại Mỹ – Trung và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng chính sách nâng lãi suất.

Vào lúc 1 giờ 44 phút sáng ngày 30/1 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.310,49 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên 1.311,67 USD/ounce – mức cao nhất kể từ ngày 15/5. Trong khi giá vàng Mỹ giao dịch kỳ hạn tại New York tăng 0,4% lên 1.308,90 USD/ounce.

Jeffrey Sica, nhà sáng lập Circle Squared Alternative Investments, cho rằng yếu tố xúc tác chính thúc đẩy giá vàng đi lên trong phiên này là mối lo ngại về cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trang sức vàng được trưng bày tại cửa hiệu kim hoàn ở Yangon, Myanmar, ngày 19/9/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 28/1, giới chức Mỹ đã chính thức cáo buộc Huawei (doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc) và bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của Huawei, cùng hai công ty con của Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Đây được coi là động thái có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về phần mình Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng “đàn áp vô lý” các công ty của nước này, trong đó có Huawei, cũng như dỡ bỏ lệnh bắt giữ đối với Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đồn đoán Fed sẽ tạm dừng tiến trình tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày 29/1 cũng là một yếu tố nữa hỗ trợ giá vàng. Fed đã tăng lãi suất bốn lần trong năm 2018 song một số quan chức Fed cho biết cơ quan này sẽ “kiên nhẫn” khi thực hiện kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2019 do tình trạng xung đột thương mại trên toàn cầu, việc Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh trong nước yếu kém.

Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,73% lên 815,64 tấn tính đến ngày 28/1, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6% lên 15,84 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên 15.92 USD/ounce – mức cao nhất kể tháng 7/2018. Trong lúc giá bạch kim giảm 0,1% xuống 808,50 USD/ounce.

Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 29/1 giá dầu thế giới tăng trên 2% sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela. Động thái này của Washington có thể làm giảm hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời làm dịu bớt nỗi lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,32 USD (hay 2,54%) lên 53,31 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 1,39 USD (2,32%) lên 61,32 USD/thùng.

Venezuela hiện là một trong những nhà sản xuất dầu nặng nhiều nhất thế giới và Mỹ là khách hàng chính, mua khoảng một nửa lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, lượng dầu xuất khẩu của Venezuela sang Mỹ đã giảm trong vài năm gần đây do khủng hoảng kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một số biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào PDVSA, theo đó mọi tài sản và lợi ích của doanh nghiệp này có liên quan tới quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với PDVSA. Đây là các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Venezuela, được cho là để gia tăng áp lực đối với chính quyền Tổng thống Maduro.

Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela đã giảm xuống chỉ còn hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2018, từ mức 1,6 triệu thùng/ngày năm 2017. Petromatrix dự báo xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sẽ giảm đi khoảng 500.000 thùng/ngày trong điều kiện hiện tại.

Venezuela là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hiện đang thực hiện thỏa thuận cắt giảm nguồn cung để vực dậy giá dầu trên thế giới. Nga, đồng minh lớn nhất của OPEC, và Trung Quốc đều đã công khai lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, mỏ dầu lớn nhất của Libya là El Sharara đang phải đóng cửa khi một nhóm vũ trang chiếm giữ khu vực này. Dù vậy, nguồn cung dầu trên toàn cầu vẫn ở mức cao, chủ yếu do sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh và đã đạt mức cao kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong năm ngoái.

Theo Báo Tin tức

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024