ISSN-2815-5823

Về “Miền Sóng”, hiểu thêm Hải Phòng

(KDPT) – Có lần đang bàn chuyện Đất Cảng, một đồng nghiệp ở thành phố Hoa phượng đỏ cắc cớ hỏi tôi: “Ông có thường xuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam không?”. Tôi kể cho anh nghe chuyện hồi nhỏ, có lần tôi bị vu là ăn trộm cam, chỉ vì đã gần nửa đêm còn chui vô vườn người ta, núp dưới bụi cam sau hồi nhà dỏng tai nghe Châu Loan ngâm thơ. Cái sự nghiện nghe đài ấy, đến nay tôi vẫn chưa bỏ được…

Anh bạn lại hỏi: “Thế ông có nghe các bản nhạc buổi sáng trên đài không?”. Tôi kể vanh vách 3 bản nhạc mở đầu một ngày mới trên Đài Tiếng nói Việt Nam: Đầu tiên là nhạc hiệu báo thức bài “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tiếp đến là bản Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao, sau đó là bản nhạc hiệu “Diệt phát-xít” của Nguyễn Đình Thi, mở đầu chương trình thời sự.

– Thế ông có nhận xét gì về ba tác giả kể trên”?

– Trời ạ, ba ông đại thụ này thì đã có đến hàng tạ lời ngợi khen của người đời, tôi chỉ còn biết ngưỡng mộ bái phục thôi!

Anh bạn tủm tỉm cười: “Thì tôi có bắt ông phải khen phò mã tốt áo đâu, nhưng có điều này ông phải biết: Cả ba “ông lớn” này đều là dân Hải Phòng nhé! Chính xác thì chỉ ông Văn Cao là dân gốc Hải Phòng. Còn ông Đỗ Nhuận sinh ở Hải Dương và ông Nguyễn Đình Thi sinh ở Lào, nhưng tuổi thơ và tuổi trẻ của hai ông này đều ở Hải Phòng và đều cùng là đồng môn trường Bonnal với ông Văn Cao; sau đó cả ba ông đều cùng học tân nhạc tại trường Saint Josef nổi tiếng của Hải Phòng. Bởi vậy có thể nói, nền văn hóa Hải Phòng đã hun đúc nên ba nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu, ba tác giả của ba nhạc phẩm nổi tiếng mở đầu một ngày mới trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia. Ông thấy Hải Phòng quê tôi có “ghê” không?”.

Phải công nhận là “ghê” thật! Và tôi đem câu chuyện ấy kể lại với doanh nhân Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ Phần Shinec, đơn vị này cũng là chủ đầu tư của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. Những tưởng chỉ là câu chuyện đưa đẩy làm quà, mở đầu cho cuộc chuyện trò về đề tài bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, nào ngờ Phạm Hồng Điệp hào hứng “nổ” luôn một mạch:

– Tôi là dân ngoại đạo văn chương, nhưng thiết nghĩ đất Hải Phòng chỉ cần một danh nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã đủ tự hào với thiên hạ lắm rồi. Còn như cùng thời với ba “ông lớn” trên đây, ở Hải Phòng còn có nhiều tên tuổi lẫy lừng khác, như: Thế Lữ, Đái Đức Tuấn, Vi Huyền Đắc, Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn, Nguyên Hồng,… Sang thời chống Mỹ, Hải Phòng lại xuất hiện một thế hệ nhà văn tài năng sáng giá, như: Hoàng Hưng, Lê Điệp, Nguyễn Khắc Phục, Đào Cảng, Thi Hoàng, Vũ Châu Phối, Thanh Tùng,… Và hiện nay Đình Kính, Nguyễn Chuông, Tô Ngọc Thạch, Lưu Văn Khuê, Bão Vũ, Phạm Ngà,… cũng đều là những tác giả cấp quốc gia đấy!

Ấy là nói chuyện văn, nhưng Hải Phòng còn là đất võ. Với vị thế cửa ngõ “yết hầu” của quốc gia, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Hải Phòng luôn là đầu cầu chiến lược quan trọng. Từ hơn hai nghìn năm trước, đây đã là nơi dựng nghiệp của Chưởng quản Binh quyền Lê Chân, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Khi điều binh xâm lược nước ta, cũng như khi bại trận lui quân, kẻ thù đều chọn hướng Hải Phòng. Bởi vậy, Hải Phòng là mảnh đất in đậm nhiều võ công hiển hách. Vế đối vỗ mặt kẻ ngoại bang trịch thượng của sứ thần Giang Văn Minh “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” không chỉ đúng từ thời đánh Hán, đuổi Tống, diệt Nguyên – Mông… mà còn được chứng minh trong các cuộc kháng chiến cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Mảnh đất văn – võ song toàn ấy hôm nay đang từng bước chuyển mình trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, trở thành một trong những địa phương năng động, phát triển bậc nhất của cả nước. Đặc biệt, trong phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 65 năm Giải phóng Hải Phòng (1955 – 2020), quân và dân Hải Phòng đã đạt được những thành tựu xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh; tạo nên một bước ngoặt quan trọng để Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới.

Hải Phòng hôm nay.

Có một công dân không sinh ra ở Hải Phòng, nhưng đã học tập, công tác, gắn bó với mảnh đất này tròn nửa thế kỷ, từ thẳm sâu tâm can coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. Và anh đã chào mừng kỷ niệm 65 năm giải phóng Hải Phòng bằng một ấn phẩm mang tên “Miền sóng”. Anh là nhà thơ Vũ Trọng Thái, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, nguyên Phó TGĐ Công ty Cổ phần Shinec, có trụ sở chính đóng tại Hải Phòng. Đây là ấn phẩm thứ 6 của Vũ Trọng Thái, sau 4 tập thơ và 1 tập truyện ký đã xuất bản. Trong ấn phẩm thứ 6 này, Vũ Trọng Thái tập hợp 65 bài thơ, 15 bản nhạc và 20 bức ảnh về Hải Phòng do anh sáng tác trong những năm gần đây, coi như một cuộc trưng bày thơ – nhạc – ảnh của cá nhân chào mừng 65 năm thành phố quê hương hoàn toàn giải phóng.

Trong văn học nghệ thuật, có một thể loại ma mị rất khó định nghĩa, nhưng lại rất gần gũi và bình đẳng với mọi người, bất kể địa vị, học vấn, tuổi tác… Đó là Thơ. Người ta có thể làm thơ, có thể bình thơ, có thể “chơi thơ”. Thơ hàn lâm bác học và thơ bình dân quần chúng, thơ cách tân và thơ truyền thống, thơ chuyên nghiệp và thơ nghiệp dư… Mỗi loại thơ kể trên có công dụng và công chúng riêng, nhưng đều giống nhau ở tính Thiện. Người làm thơ và người yêu thơ thường là những người lương thiện, chí ít là cũng biết hướng thiện. Chỉ phẩm chất ấy thôi cũng đủ cho thơ và người làm thơ xứng đáng được trân trọng và sẻ chia. Huống hồ, thơ trong “Miền sóng” của Vũ Trọng Thái còn cho người đọc biết nhiều hơn thế. Đó là vóc dáng của thành phố Cảng những năm cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ 21:

“Em có về Hải Phòng với anh không?

Thăm Đình Vũ in dấu chân lấn biển

Đường phố mới thênh thênh, đô thị mới

Đã vươn cao dáng vóc của Hải Phòng

Đó là một làng hoa ngoại thành:

Từng cánh hoa như níu bước người đi

Khi mỗi lần trở về Hạ Lũng

Miền đất nhỏ của Hải Phòng trung dũng

Đã ngời lên trong nắng mới hôm nay…”

Đó là quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 500 năm sau ngày Ngài tạ thế: “Như đũa thần kỳ ảo/ Vẽ lên những bất ngờ/ Đây cầu Đăng, sông Hóa,/ Khu công nghệ VinECo…/ Vùng đất xưa nông nghiệp / Đồng chiêm trũng bốn mùa/ Bỗng vươn mình đứng dậy/ Như trong một giấc mơ…”.

Đó là một di tích võ công Bạch Đằng vừa phát lộ đầu năm 2020:

“Trước bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ

Ta cúi lạy tiền nhân thuở trước

Những bước chân ngàn năm giữ nước

Để non sông, bờ cõi vững âu vàng”

Hoặc là chiếc cầu Hoàng Văn Thụ vừa kịp hoàn thành mừng kỷ niệm 65 năm thành phố hoàn toàn giải phóng:

“Như cánh chim vươn mình qua sông Cấm

Nối bờ anh sang bên ấy bờ em

Cây cầu mới nơi miền cửa sóng

Một huyền thoại Hải Phòng cất cánh bay lên!”

Bìa ấn phẩm “Miền Sóng” của tác giả Vũ Trọng Thái.

Và thật thú vị khi hình ảnh của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống giặc Covid-19 cũng kịp có mặt trong tập sách này. Đó là những ngọn đèn tại các điểm chốt khu cách ly phòng dịch: “Xưa có những “ngọn đèn đứng gác”/ Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ” Nay lại có những ngọn đèn thao thức/ Trên từng chốt chặn chống Covy…” Hoặc là tiếng chổi của chị lao công giữa mùa đại dịch: “Người ta nhắc “Ở trong nhà là yêu nước”/ Tôi vẫn gặp những công nhân quét rác/ Trên phố Cảng, vẫn ngày ngày mải miết…”.

Đặc biệt, trong “Miền sóng”, người đọc bắt gặp rất nhiều những tên tuổi văn nghệ sĩ của đất Cảng hôm nay. Họ, có người đã thành tác giả được công chúng ngưỡng mộ, có người đang phấn đấu để lập danh, nhưng tất cả đều sống hết mình, yêu hết mình và rất… đáng yêu! Chẳng thế mà Vũ Trọng Thái “dám” gọi NSƯT – Đạo diễn Văn Lượng là “gã ngư phủ mặt nhàu” và nhóm bạn văn thân thiết là “năm ông già phố biển”:

“Năm người thơ, người văn

Dâng đời từng trang viết

Nào cần chi ai biết

Họ, năm người tài ba…

Năm ông già phố biển

Như năm cánh bông hoa

Giữa một vườn sắc thắm

Vẫn ta tựa lòng ta…”

Còn nhiều những tác giả như thế của Hải Phòng hôm nay được Vũ Trọng Thái trân quý và yêu mến. Đó là nhà thơ Nguyễn Đình Tâm với Trường ca “Một thời biển cả” từng đoạt giải thưởng của Bộ Giao thông vận tải; là nhà báo Hà Linh Quân, tác giả của rất nhiều bút ký, phóng sự viết về ngành đóng tàu biển của quê hương; là nghệ sĩ đường phố Đỗ Bá Lý với “Tiếng vỹ cầm cô đơn”; là nhà thơ Kim Chuông “Giải oan cho Thị Mầu”; hay nhà văn Đình Kính hầu như trọn kiếp văn chương dành cho biển; nhà thơ Đinh Thường cựu chiến binh Biên phòng; nhà văn Dương Thị Nhụn như “người rút ruột thân tằm nhả tơ”,….

Có danh ngôn rằng: “Thơ không làm ra tiền bạc và của cải, nhưng Thơ có thể giúp một nhà quản lý không trở thành độc tài và một doanh nhân không trở thành trọc phú”. Giàu mà sang thì mới được gọi là doanh nhân, nhất là trong thời hiện đại. Và văn hóa, trong đó có Thơ – góp phần làm nên sự sang trọng đó cho nhà giàu, kể cả hiệu quả sản xuất và kinh doanh của họ. Tức là, làm ăn phải có văn hóa thì lời lãi mới bền, như Nghị quyết của Đảng ta cũng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng và động lực của phát triển bền vững”. Không rõ Vũ Trọng Thái có biết đến câu danh ngôn trên hay không, cũng không rõ anh có ý định “quán triệt” Nghị quyết của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng văn hóa và phát triển kinh tế hay không? Nhưng đọc “Miền sóng”, thấy số lượng những bài thơ anh viết về các văn nhân và doanh nhân là khá… cân bằng. Và các doanh nhân đất Cảng trong thơ Vũ Trọng Thái là những người biết làm giàu chính đáng, quan tâm đến sự phát triển cộng đồng, nặng lòng với quê hương và có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của thành phố. Tác giả đánh giá rất cao cái tài, cái tâm của các doanh nghiệp trẻ:

“Hải Phòng ơi, Phố Biển hôm nay

Trên con đường phát triển, dựng xây

Ngày mỗi ngày Đất Cảng thêm đổi mới

Có Doanh nhân trẻ góp sức, chung tay”

Trong số những Doanh nhân trẻ Hải Phòng có tài, có tầm và có tâm ấy, tiêu biểu là Doanh nhân Cựu chiến binh Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ Phần Shinec; Chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền; nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng nhiều khóa và là cựu Đại biểu HĐND thành phố Hải Phòng… Các đề tài về bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế của Phạm Hồng Điệp từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá như “Nhân tài đất Việt”, “Doanh nhân Sao Đỏ”,… Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến những đề tài trên đây của Phạm Hồng Điệp, từng hai lần viết thư trao đổi, biểu dương và tặng doanh nghiệp của anh một cây đa từ trong khuôn viên tư gia Đại tướng ở Hà Nội. Cây đa ấy hiện đang vươn cành tỏa bóng trên đại lộ dẫn vào Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và đi vào thơ của Vũ Trọng Thái:

“Có tâm, có trí, có tầm

Bao năm bươn chải, ươm mầm mầu xanh

Một lòng yêu đất quê mình

Anh – Người chiến sĩ Doanh nhân kiên cường

Bóng đa tỏa mát yêu thương

Nối hôm nay với mạch nguồn ngày xưa

Hải Phòng – Miền Sóng của Vũ Trọng Thái là như thế đấy!”

Hà Nội – Hải Phòng, hè 2020

MAI NAM THẮNG

(Hội nhà văn Việt Nam)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024