ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ tư, 14h05 20/12/2023

Việt Nam có đầy đủ lợi thế gia nhập “đường đua” bán dẫn toàn cầu

(KDPT) - Bước chân vào ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam - từ dự định đào tạo kỹ sư thiết kế chip, đến đầu tư vào các cơ sở sản xuất linh kiện và vật liệu bán dẫn… là cơ hội để Việt Nam tự phát triển hoặc tiếp nhận chuyên môn công nghệ tiên tiến nhất. Bước tiến này có thể đầy thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất nổi bật của khu vực trong tương lai.

Lợi thế nắm bắt cơ hội vàng

Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử.

Việt Nam xác định phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực tạo đột phá cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh về chuyển đổi số. Nếu như trong chuyển đổi số, dữ liệu vô cùng quan trọng thì việc làm chủ hạ tầng phần cứng, công nghệ lõi là một bước tiến xa hơn nữa, giúp Việt Nam làm chủ và giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ trên thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng. Đó là chính sách ngoại giao cởi mở giúp nước ta có vị thế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới và nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư. Về địa chính trị, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, vị trí “cửa ngõ” thế giới là tài nguyên hiếm có.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chủ trương này, trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.

Để hiện thực hóa chủ trương trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam diễn ra ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như: Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như: Đại học Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn: Viettel, VNPT, FPT, CMC.

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, vào tháng 9 vừa rồi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Theo đó xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Và chỉ sau đó 1 tuần thì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Hoa Kỳ, trong đó có nội dung làm việc rất quan trọng với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) và nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

Một yếu tố hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đó là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Chính phủ dành sự quan tâm lớn với mảng bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. Ngoài ra, quy mô thị trường chất bán dẫn Việt Nam tăng trưởng 6,69% - đến 1,94 tỷ USD từ năm 2023-2028, đây là cơ hội lớn.

Như vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ: Đầu ra - thị trường rộng lớn; nhân sự: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; cơ hội hợp tác: các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.

Gia nhập “đường đua” bán dẫn toàn cầu

Sự tăng trưởng của ngành dự kiến chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực bộ nhớ, lĩnh vực đang trên đà tăng vọt lên khoảng 130 tỷ USD vào năm 2024, thể hiện xu hướng tăng hơn 40% so với năm trước. Hiện trên quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp điện tử thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Theo Gartner, năm 2023 doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024-2025, trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI.

Theo CDI, quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh - là đầu ra cho con chip. Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Hiện nay trên toàn thế giới đang diễn ra cuộc đua thu nhỏ kích thước của chip bán dẫn. Chip có kích thước càng nhỏ thì sẽ càng tiết kiệm năng lượng. Do đó, gần đây, đã có một bước tiến công nghệ đáng kể nhờ vào việc thay đổi nguồn sáng (light source), giúp các nhà khoa học thiết kế được các con chip có kích thước rất nhỏ. Điều này đã tạo ra một sự bất ngờ lớn cho thế giới sản xuất linh kiện bán dẫn.

Bên cạnh đó, một cuộc đua khác đang diễn ra trong ngành bán dẫn là cuộc đua tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn giúp quá trình nghiên cứu sản xuất thân thiện hơn với môi trường. Vì vậy, làm cách nào để vừa tăng hiệu quả sản xuất mà vẫn đóng góp vào việc giảm lượng phát thải ròng bằng '0' thật sự rất quan trọng và không thể có một câu trả lời đơn giản cho vấn đề này.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng. (Ảnh: chinhphu.vn)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng. (Ảnh: chinhphu.vn)

Sáng 16/12 vừa qua, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng, với mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng: (1) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; (2) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (3) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng quy luật khách quan nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết).

Việt Nam xác định rõ 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; coi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Đẩy mạnh chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh là hai xu thế gắn bó chặt chẽ, mật thiết, có tác động qua lại lẫn nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong quá trình phát triển nói chung và lĩnh vực bán dẫn nói riêng, Việt Nam xác định lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Theo Thủ tướng, việc thiết lập quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới" là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, như Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng khẳng định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là không có giới hạn.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới về công nghệ bán dẫn đánh giá, với nguồn cung cấp năng lượng, lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao và năng lực thu hút đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam sẽ là một ứng cử viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo TS. Sadasivan Shankar, chuyên gia hàng đầu về công nghệ bán dẫn tại Đại học Stanford (Mỹ), để thiết lập một cơ sở chế tạo bán dẫn điển hình chi phí rơi vào khoảng 10 tỷ USD. Những nhà máy này cần cập nhật công nghệ mới sau mỗi 2 năm, đòi hỏi họ phải nâng cấp trang thiết bị với cùng tần suất, thêm vào đó là số lượng lớn các nhân viên kỹ thuật lành nghề.

Hiện nay, hầu hết việc sản xuất bán dẫn diễn ra tại Đài Loan (Trung Quốc), tiếp theo là Hoa Kỳ. Nhưng nhiều người đồng tình rằng việc sản xuất không nên dừng lại ở những nơi này, mà cần được phân bổ sang các quốc gia khác có thể đáp ứng các tiêu chí nêu trên.

"Ấn Độ là một ứng viên nặng ký nhờ sở hữu một lực lượng lao động có trình độ tốt. Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng đáng kể. Một số công nghệ đóng gói chip tiên tiến của Intel đã được thực hiện tại Việt Nam trước đây. Quốc gia của các bạn với nguồn cung cấp năng lượng, lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao và năng lực thu hút đầu tư mạnh mẽ, sẽ là một ứng cử viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn", TS. Sadasivan Shankar nói.

Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024