Việt Nam – Điểm đến an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài
Theo bài viết, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm, gấp đôi mức trung bình của thế giới. Dù nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ việc làm cao, song phần lớn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy bởi lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn so với các nước khác là chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc – quốc gia láng giềng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, do Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu có thể giảm 40% trong năm 2020. Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong nửa đầu năm vẫn tích cực. Đặc biệt, trong giai đoạn này, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn mới đăng ký và bổ sung tăng lần lượt 13,8% và 26,8%, đạt 8,43 tỷ USD và 3,72 tỷ USD tương ứng. Ông chia sẻ rằng, đây là những dấu hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1%. Theo sau là các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, thông tin được báo cáo bởi Tạp chí Tài chính Financial Magazine.
Ông Đỗ Nhật Hoàng, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, sự gia tăng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp và hành động quyết liệt cũng như những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Ông hy vọng rằng sau khi Việt Nam nối lại các tuyến hàng không quốc tế, nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam và dòng vốn FDI sẽ quay trở lại trong năm nay. Việc tái cấu trúc đầu tư sẽ mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam được các nhà đầu tư xem là một điểm sáng trong khu vực ASEAN nhờ sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, lực lượng lao động dồi dào, thị trường rộng mở, sự gia tăng trong thu nhập bình quân đầu người, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự khuyến khích cạnh tranh cùng vị trí địa lý nằm ngay trung tâm Đông Nam Á.
Việt Nam cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kể từ khi Quốc hội phê chuẩn các dự luật có liên quan, nền kinh tế quốc gia dự kiến sẽ có những tác động tích cực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến xúc tiến đầu tư và ưu đãi.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) dự kiến sẽ mở ra một giai đoạn mới, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các cơ chế bảo vệ và xuất khẩu sang EU, cũng như được hưởng ưu đãi thuế. Đây sẽ là thời điểm tốt để các doanh nghiệp từ Việt Nam và Liên minh châu Âu EU tăng cường hợp tác và đầu tư.
Việt Nam là nơi có hơn 32.000 dự án trị giá 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi các nước trên thế giới vẫn đang chiến đấu chống lại Covid-19, Việt Nam đã bình thường hóa các hoạt động kinh doanh và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chia sẻ từ ông Envoy Okabe Daisuke – Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng trong giai đoạn hậu Covid-19.
Một cuộc khảo sát từ Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) vào tháng 2/2020 cho thấy, hơn 63% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch tăng đầu tư, tỷ lệ cao nhất trong ASEAN. Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực điện tử và phát triển năng lực sản xuất công nghệ cao hơn trong chuỗi giá trị, không chỉ đóng vai trò nhân tố chính trong khâu lắp ráp. Để làm được điều này, Việt Nam cần quyết tâm đổi mới hơn nữa theo tiêu chuẩn hiện đại để dần đưa nền kinh tế bước sang trang mới đầy triển vọng, tạo tiền đề cho những bước tiến sâu rộng trên thị trường kinh tế quốc tế.
ÁNH DUY