Việt Nam đứng thứ 44 trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021
Đây cũng là lý do khiến GII được chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil, …).
Thực hiện nhiệm vụ đầu mối hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương cải thiện chỉ số GII như Chính phủ đã phân công tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017, chiều ngày 21/9/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 và Kết quả của Việt Nam nhằm giúp các bộ, cơ quan, địa phương hiểu rõ hơn về Chỉ số GII và kết quả của Việt Nam; từ đó, tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đã đặt ra và phân công cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức WIPO, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế và đại diện KH&CN Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ; đại diện các Bộ, Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cải thiện chỉ số GII. Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin mới nhất về kết quả Chỉ số GII của Việt Nam năm 2021, các điều chỉnh về phương pháp luận, ý nghĩa của chỉ số và các vấn đề đặt ra.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đại diện WIPO cho biết, việc Việt Nam tiếp tục dẫn đầu như là một tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia.
Cụ thể, trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra ĐMST (thứ hạng 38) và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, nhưng giá trị GDP mới, lớn hơn đã điều chỉnh lại thứ hạng của Việt Nam do nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Do tác động của nhiều yếu tố đến kết quả xếp hạng, trong đó có ảnh hưởng của phương pháp tính toán, xếp hạng nên bên cạnh vị trí xếp hạng, báo cáo GII còn công bố khoảng tin cậy của thứ hạng để làm căn cứ khi so sánh giữa các thứ hạng gần nhau. Năm 2021, WIPO công bố thứ hạng của Việt Nam là 44 và công bố khoảng tin cậy của thứ hạng này trong khoảng 42 đến 47. Năm 2020, Việt Nam có thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41 đến 50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy thì thứ hạng GII của Việt Nam năm 2021 và 2020 là gần như tương đương nhau.
Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Trong Báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành và trong bản thông cáo báo chí về GII 2021 của WIPO, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong Báo cáo như hình mẫu đáng học hỏi “Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng ĐMST theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện ĐMST toàn cầu trong những năm tới. Đó là chìa khóa để các quốc gia khác học hỏi từ các quốc gia như Việt Nam và tham gia nhóm các quốc gia liên tục đi lên về ĐMST”.
Theo nhận xét của các chuyên gia WIPO, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Theo ông Marco M. Aleman, Trưởng cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ (SHTT), Trợ lý, Đặc phái viên Tổng giám đốc WIPO: “Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất”.
TÚ MINH
Bạn đang đọc bài Việt Nam đứng thứ 44 trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021
tại chuyên mục Khoa học & Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]