ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 10h03 19/09/2024

Việt Nam tăng 15 bậc trong xếp hạng Chính phủ điện tử

(KDPT) - Theo bảng xếp hạng chỉ số EGDI thường kỳ 2 năm mà Liên Hợp Quốc vừa công bố, Việt Nam tăng 15 bậc so với báo cáo năm 2022.

Việt Nam nằm trong top 5 xếp hạng tại Đông Nam Á

Với 0,7709 điểm, Việt Nam được xếp hạng thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với hạng 86 trong báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2022 và 2020. Việt Nam đã duy trì thứ hạng 86 trong hai lần đánh giá, trước khi có sự cải thiện được ghi nhận trong báo cáo năm nay.

Tính trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã tăng 1 bậc từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 5 trong số 11 quốc gia (Xem chi tiết báo cáo Chỉ số chính phủ điện tử 2024 của Liên Hợp Quốc).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chỉ số phụ như OSI (chỉ số dịch vụ công trực tuyến), TII (chỉ số hạ tầng viễn thông), HCI (chỉ số vốn con người), EPI (chỉ số tham gia kỹ thuật số) đều tăng so với hai năm trước.

Theo Liên Hợp Quốc, thành công này của Việt Nam là nhờ việc tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mở rộng kết nối Internet và triển khai mạnh mẽ khuôn khổ chính phủ số. Những khoản đầu tư quan trọng của Việt Nam trong các dịch vụ công kỹ thuật số được phản ánh ở vị trí EGDI được cải thiện.

Việt Nam xếp hạng 71/193
Việt Nam xếp hạng 71/193

Với vị trí thứ 71, Việt Nam cũng dần tiếp cận được mục tiêu mà Bộ thông tin và Truyền thông đã đặt ra trong Chỉ thị 01/CT-BTTTT ban hành vào năm 2023. Cụ thể: Đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.

Châu Âu dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy Châu Âu dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử, tiếp theo là Châu Á, Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Phi.

Mặc dù tất cả các khu vực đều đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tốc độ phát triển không đồng đều, và sự chênh lệch giữa các khu vực trong phát triển kỹ thuật số vẫn tồn tại.

Châu Á đã có những bước tiến ấn tượng kể từ năm 2022, với Singapore, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nhật Bản và Bahrain dẫn đầu về phát triển chính phủ kỹ thuật số.

Xu hướng tăng cũng được thúc đẩy bởi những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi kỹ thuật số ở Trung Quốc, Tây Á và Trung Á, với các sáng kiến ​​chiến lược của chính phủ tập trung vào việc hội nhập công nghệ tiên tiến trong dịch vụ công.

Ở châu Mỹ, các quốc gia dẫn đầu về kỹ thuật số như Hoa Kỳ, Uruguay, Chile, Argentina, Canada và Brazil thúc đẩy tiến bộ nhờ sự hỗ trợ của sự hợp tác khu vực và quan hệ đối tác quốc tế.

Ở Châu Phi, Mauritius và Nam Phi đã tiến lên nhóm EGDI rất cao, đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia trong khu vực này đã đạt đến mức cao nhất. Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Phi đều có EGDI dưới mức trung bình toàn cầu. Sự chênh lệch đáng kể về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kết nối, kỹ năng kỹ thuật số và sự sẵn sàng của chính phủ điện tử vẫn tồn tại trong khu vực.

Tầm quan trọng của Chính phủ điện tử trong việc phát triển hạ tầng số

Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”. Để có sự thống nhất trong hành động thì chúng ta phải có những nhận thức chung về Chính phủ số, xây dựng Chính phủ số và sự cần thiết của việc xây dựng Chính phủ số.

Chính phủ điện tử đối với người dân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống thông tin, thiết lập mối quan hệ tương tác trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân. Cụ thể, cung cấp thông tin mới nhất về chính sách, pháp luật thông qua không gian mạng. Giúp người dân kết nối với chính phủ, tăng quyền tự do dân chủ, minh bạch. Hỗ trợ người dân trong việc làm các thủ tục hành chính online, nhanh, gọn, tiết kiệm chi phí.

Chính phủ điện tử đã góp phần thay đổi cách thức làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, đẩy mạnh chuyển đổi số thành công từ đó tối ưu hoạt động quản lý cũng như đạt hiệu suất cao trong công việc. Chính phủ điện tử tạo ra môi trường để doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi số một cách toàn diện. Nhờ chính phủ điện tử các doanh nghiệp, đơn vị có thể nộp thuế online, khai bảo hiểm xã hội điện tử, khai hải quan điện tử, thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước qua hình thức điện tử… giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí tối ưu. Giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà phức tạp.

Cùng với đó, Chính phủ điện tử tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp phát triển. Điều này đã tạo nhiều hoạt động tích cực. Tiết kiệm chi phí chung cho toàn xã hội. Tăng cường sự tin tưởng của người dân đối với nhà nước, đối với chính phủ Việt Nam. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí. Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý kinh tế xã hội./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/10/2024