“Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đây là chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2019), đồng thời, tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”; góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm năm 2019.
Chuỗi hoạt động lần này có sự tham gia của khoảng 300 đồng bào thuộc 15 dân tộc, gồm: Dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Nghệ An), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (Thành phố Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng) cùng sự tham gia của các nghệ sỹ, diễn viên thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.
Điểm nhấn hoạt động tháng 9 là không gian chợ vùng cao “Về miền cao nguyên đá” tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc. Đặc biệt, tái hiện lễ hội Rửa làng của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (lần đầu tiên tổ chức tại Làng); trình diễn giới thiệu múa trống của đồng bào dân tộc Giáy và Lô Lô huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; Hội Vỗ Mông của dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và chương trình diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên “Tiếng gọi đại ngàn” của các nghệ nhân đến từ Đắk Lắk.
Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 9, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Giới thiệu Lá cờ số 490 (54m2) đã treo tại cột cờ quốc gia Lũng Cú tại nhà triển lãm làng dân tộc III; Chương trình biểu diễn Rối cạn “Đồng vọng Rối Việt” do các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn; Tổng kết cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn”; Chương trình nghệ thuật “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc biểu diễn; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chúng ta cùng xem và hiểu về nghệ thuật Tuồng” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Tái hiện Lễ SenDolta (Lễ cúng ông bà) tại quần thể chùa Khmer…
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam