Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm 2023 đạt 327,5 tỷ USD
Số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm 2023 đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm ngoái, tương ứng giảm 32,1 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm, nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giảm nên tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 cũng bị tác động dây chuyền.
Hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 8,1% so với năm 2022; thép các loại giảm 11,6%; vải các loại giảm 11,1%, nhập gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,8%, nhập khẩu bông giảm gần 30%, hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 20,9%, chất dẻo giảm 21,1%...
Trong năm 2023 có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%).
Ảnh minh họa |
Năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 307,32 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 20,18 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Do nhập khẩu giảm từ tất cả các thị trường cung cấp nguyên liệu chính cho Việt Nam, nên nhập siêu từ các thị trường này năm qua cũng giảm tương ứng.
Đơn cử, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD, giảm 5,9%, nhập siêu từ Trung Quốc 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%, nhập siêu từ Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23,3%; nhập siêu từ ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%.
Cán cân thương mại xuất siêu lên tới 28 tỷ USD, mức thặng dư kỷ lục của Việt Nam chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Tổng cầu hàng hóa trong năm 2024 dự báo vẫn suy giảm do đối mặt với thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, bất ổn địa chính trị tiếp tục cản đường xuất khẩu, theo đó, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong ngắn hạn sẽ khó phục hồi./.