ISSN-2815-5823
Thứ hai, 06h36 20/04/2020

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU: Chưa có tín hiệu khả quan

(KDPT) – Covid-19 đã khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ và EU đang gặp khó khăn.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, quý I/2020, xuất khẩu của Việt Nam đạt 59,08 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Trong quý I/2020, Việt Nam xuất siêu đạt 2,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD). Đây là một kết quả mà nhiều chuyên gia thương mại cho là chấp nhận được trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề.

Mỹ và EU là những thị trường xuất khẩu lớn của ngành thủy sản

Tuy nhiên, bước sang quý II/2020, tình hình đã có những dấu hiệu ảm đạm hơn, nhất là việc xuất khẩu vào 2 thị trường trọng điểm lớn là Mỹ và EU.

Theo ông Bùi Trọng Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), hầu như các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào 2 thị trường này đang trong tình trạng bị tạm dừng. Nếu trong quý II, dịch Covid-19 còn phức tạp, chắc chắn xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Bởi ngoài Trung Quốc, Mỹ và EU là hai trong số những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản…

Đến nay, đã có nhiều nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ và EU đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày Việt Nam tạm giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí đã có trường hợp đề nghị hủy hợp đồng. Dự kiến, số lượng đơn hàng dệt may, da giày xuất khẩu vào Mỹ và EU trong tháng 4 và 5 của các doanh nghiệp Việt Nam suy giảm mạnh, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi rất chậm.

Còn theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, nếu dịch Covid-19 trong tháng 4 không được cải thiện, một số doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm 70% công suất. Nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đến hết quý II/2020, hầu hết doanh nghiệp gỗ sẽ ngừng sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Chỉ còn một số doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tiêu thụ nội địa duy trì sản xuất, nhưng cũng chỉ cầm chừng được khoảng 10-15% công suất.

Đối với ngành công nghiệp điện tử, theo báo cáo của Samsung Electronics Việt Nam, thị trường Mỹ, EU chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm của họ, song dự kiến doanh thu toàn cầu năm 2020 của Samsung Electronics sẽ suy giảm và phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD so với 51,38 tỷ USD của năm 2019.

Trong khi đó, việc chuyển hướng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang các thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… không phải trong ngày một, ngày hai có thể dễ dàng mà thậm chí là rất khó khăn, khó có thể bù đắp được những thiếu hụt từ thị trường Mỹ và EU. Đặc biệt, hàng dệt may và giày dép của Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ gặp sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa cùng loại của Trung Quốc do năng lực sản xuất của họ rất lớn và hiện cơ bản sản xuất của Trung Quốc đã từng bước được phục hồi sau khi nước này đã kiềm chế được dịch Covid-19 lây lan.

Khả năng phục hồi tăng trưởng xuất khẩu đặt vào kỳ vọng rất lớn từ việc Mỹ và EU sớm khống chế được dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ EVFTA với EU sẽ sớm được Quốc hội thông qua và hiệu lực trong năm 2020.

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang EU có thể tăng trưởng 20% trong năm 2020, mặt hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế nhất là thủy sản.

Theo congthuong.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024