ISSN-2815-5823

2021 và những sự kiện khoa học – công nghệ nổi bật

(KDPT) – Năm 2021 sắp khép lại với nhiều điều đáng nhớ. Năm qua, vượt lên những ảnh hưởng do dịch Covid-19, các nhà khoa học vẫn không ngừng đạt những bước tiến mới, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, chinh phục những đỉnh cao mới.

Công nghệ thực phẩm nhân tạo

Lần đầu tiên thịt nhân tạo đã được tạo ra trên vũ trụ nhờ vào máy in sinh học 3D. Các tế bào thịt bò lấy từ bò nuôi trên trái đất được vận chuyển lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trước khi nuôi cấy thành tế bào mô-cơ để tạo ra một miếng bít-tết.

Thí nghiệm này là bước tiến quan trọng đầu tiên trong tầm nhìn an ninh lương thực cho thế hệ tương lai, đồng thời góp phần bảo tồn thiên nhiên. Dự báo, dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 10 tỷ người vào năm 2050. Thịt nhân tạo là một trong những phát minh nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho cư dân trái đất tương lai.

Tháng 7, công ty Pháp Gourmey sản xuất gan ngỗng nhân tạo đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc của vịt khiến một đầu bếp Michelin không thể tìm ra điểm khác biệt với gan thật. Tháng 8, Đại học Osaka sử dụng tế bào gốc từ bò Wagyu nổi tiếng để in 3D thịt chứa cơ, chất béo và mạch máu với cách sắp xếp giống miếng bít tết thông thường. Những sản phẩm này mang lại trải nghiệm tương đương cho người ăn mà không cần quá trình chăn nuôi tốn kém và tác động lớn đến môi trường, cũng không cần thực hiện việc giết mổ gây tranh cãi về đạo đức.

Cuộc đua chinh phục Sao Hỏa

Tìm kiếm bằng chứng về sự sống, tạo tiền đề cho tham vọng chinh phục và định cư trên Sao Hỏa luôn là mơ ước của toàn nhân loại.

Mô phỏng robot thăm dò Chúc Dung lăn bánh trên sao Hỏa. Ảnh: CNSA

Tháng 2/2021, sau hành trình bay kéo dài 7 tháng, robot tự hành của NASA đã hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa mang theo một thiết bị bay mini, bắt đầu hành trình tìm kiếm dấu vết sự sống trên hành tinh đỏ.

Tiếp nối NASA, Trung Quốc cũng đã hạ cánh thành công robot tự hành Chúc Dung xuống bề mặt Sao Hỏa vào ngày 15/5, trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ có thiết bị thăm dò đáp xuống hành tinh này kể từ năm 1973.

Du lịch vũ trụ bùng nổ

Sau cuộc đua chinh phục Sao Hỏa, nhiều tỷ phú trên thế giới đã dành không ít tâm huyết và nguồn lực để phát triển các dịch vụ du lịch vũ trụ.

Từ trái qua phải: Nhà sáng lập Jeff Bezos (Blue Origin), Richard Branson (Virgin Galactic) và Elon Musk (SpaceX). Ảnh: Mail

Ngày 11/7, tỷ phú người Anh Richard Branson lần đầu tiên bay lên rìa vũ trụ cùng 5 người khác bằng máy bay vũ trụ do công ty Virgin Galactic phát triển. Tiếp sau đó, tỷ phú Jeff Bezos cùng ba hành khách cũng đã thực hiện chuyến bay lên rìa vũ trụ bằng hệ thống tên lửa đẩy và khoang tàu chở khách của Blue Origin.

Loài robot sống đầu tiên đã có thể sinh sản

Sau khi tạo ra các robot “sống”, các nhà khoa học Mỹ mới đây cho biết loại robot tên xenobot này đã có thể sinh sản. Nhưng cách chúng sinh sản cũng không giống như thực vật hay động vật.

Xenobot có đường kính chưa đến 1mm và được hình thành từ tế bào gốc của loài ếch có vuốt châu Phi (Xenopus laevis).

Xenobot ra mắt lần đầu tiên vào năm 2020. Quá trình thí nghiệm cho thấy chúng có thể di chuyển, làm việc theo nhóm và tự chữa lành.

Nay, các nhà khoa học tại Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Wyss về kỹ thuật lấy cảm hứng từ sinh học (Đại học Harvard) đang tiếp tục phát triển robot này. Họ đã phát hiện một cách sinh sản hoàn toàn khác của chúng.

Với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo, các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm hàng tỷ hình dạng cơ thể khác nhau để làm cho các xenobot “sinh sản” hiệu quả hơn.

Cuối cùng, siêu máy tính cho kết quả các xenobot hình chữ C có khả năng sinh sản tốt nhất. Nó có thể tìm thấy các tế bào gốc cực nhỏ trong đĩa thí nghiệm, thu thập hàng trăm tế bào này vào “miệng”. Vài ngày sau đó, đám tế bào này đã trở thành xenobot mới.

Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt, có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Để tạo ra xenobot, các nhà nghiên cứu đã cạo các tế bào gốc sống từ phôi ếch và để chúng trong lồng ấp. Không có thao tác nào can thiệp đến gene.

Bước tiến mới trong năng lượng nhiệt hạch

Nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, an toàn và vô hạn, nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu phát triển lò phản ứng nhiệt hạch. Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đã có nhưng bước tiến lớn, hứa hẹn biến sản xuất điện từ phản ứng nhiệt hạch thành hiện thực.

Nguyên mẫu tàu vũ trụ của SpaceX trong chuyến bay thử nghiệm (Ảnh: SpaceX)

Cuối tháng 5/2021, lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến đã xác lập kỷ lục khi đạt nhiệt độ Plasma 120 triệu độ C trong 101 giây và 160 triệu độ C trong 20 giây. Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạt nhân quốc tế do nhiều nước hợp tác tiến hành, đã hoàn thành 75% tiến độ với kinh phí 23,7 tỷ USD. Dự kiến, lò có thể sản xuất năng lượng bằng mức tiêu hao vào năm 2026.

Những xu hướng công nghệ mới nổi năm 2021 đã phản ánh bước tiến nhanh chóng về đổi mới, tạo ra hy vọng về một tương lai bền vững và lành mạnh hơn. Mỗi một công nghệ có tiềm năng riêng, tác động lớn về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, giúp xử lý những thách thức lớn mang tầm toàn cầu.

THU HƯƠNG (t/h)

Bạn đang đọc bài 2021 và những sự kiện khoa học – công nghệ nổi bật
tại chuyên mục Khoa học & Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024