Áp thuế tài sản với ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng: Thiếu căn cứ, khó thực thi
Bên cạnh đề xuất thu thuế nhà ở đang gây nhiều tranh cãi, việc Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tài sản với ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì thiếu căn cứ, chưa minh bạch.
Tính khả thi không cao
Nhìn từ góc độ bảo đảm ngân sách, các chuyên gia đều đồng tình việc cơ quan nhà nước đưa ra chính sách tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, tinh thần hiện nay là phải chia sẻ với ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn do các loại thuế nhập khẩu giảm về 0% khi đất nước hội nhập.
Không thể “sang ngang” luật
Các chuyên gia cũng cho rằng, đề xuất đánh thuế ô tô nếu được thông qua sẽ siết mạnh xe sang, xe nhập khẩu và tạo hàng rào “phi thuế quan” để bảo hộ sản xuất trong nước. Những người dùng xe sang bên cạnh chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao, lại phải gánh thêm số tiền từ 4,5 triệu đến gần 15 triệu đồng/năm (tùy theo giá từ 1,5 tỷ đồng đến khoảng 5 – 6 tỷ đồng/chiếc). Chính vì lý do này, xe sang, xe nhập khẩu sẽ ngày càng khó hơn khi ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, thị phần trong nước thuộc về phân khúc xe tầm trung có giá từ 500 triệu đến 1,3 tỷ đồng. Với lượng xe nhập giảm mạnh, trong nước chủ yếu là xe lắp ráp do liên doanh, tư nhân làm chủ, điều này có nguy cơ giá xe sẽ khó giảm, các hãng bắt tay giữ giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối xe nhập khẩu cũng chịu tác động. Giám đốc Công ty CP Kinh doanh quốc tế Đại Việt Trần Văn Trung cho biết, lượng xe nhập khẩu trị giá trên 1,5 tỷ đồng của công ty chiếm 30% tổng số xe, nếu ô tô bị đánh thuế tài sản thì công ty sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tại Hà Nội Bùi Danh Liên, các chính sách, chủ trương dù được nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới nhưng phải nhìn nhận rằng an sinh xã hội ở họ khác Việt Nam, nên không thể “sang ngang” luật thuế của Việt Nam với các nước. Lượng thuế ở các nước tạo nguồn thu lớn nhưng thu nhập của người dân cũng cao, an sinh phúc lợi nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, ngoài khoản thu nhập ít ỏi, người dân cũng phải đóng thêm nhiều khoản cho xã hội. Ông Liên nhấn mạnh, mọi biện pháp, chính sách liên quan tới người dân phải nghiên cứu chu đáo, cẩn thận và đặc biệt là nghiên cứu tâm lý của người lao động, của nhân dân, lấy ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức kinh tế – xã hội phản biện, khi ấy chủ trương mới thông thoáng, trở thành hiện thực, nếu không sẽ gây phản ứng trái chiều.
Hiện Bộ Tài chính chưa đưa ra căn cứ nào để biện minh cho việc đánh thuế tài sản với xe có giá 1,5 tỷ đồng. Còn theo các chuyên gia, nhìn vào tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, chưa đánh thuế sẽ hợp lý hơn. Tăng thuế tài sản với máy bay, du thuyền chủ yếu là đánh thuế vào doanh nghiệp, tập trung vào những đối tượng có thu nhập cao, nhưng khi thuế cao, doanh nghiệp sẽ tăng giá vé, giá dịch vụ, chung quy lại vẫn là người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bộ Tài chính cần có giải trình kỹ hơn để thuyết phục người dân. Càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng thuyết phục bấy nhiêu. Một chủ trương đúng mà làm không đúng, không khéo, sẽ từ hợp lý thành bất hợp lý.
Theo daibieunhandan.vn